Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:05 (GMT +7)
Đề xuất giải pháp phát triển năm 2014
Thứ 7, 14/12/2013 | 05:20:41 [GMT +7] A A
Đại biểu Phạm Văn Mật, tổ Hạ Long: “Tỉnh cần tiếp tục xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành Than”
Năm 2013, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, giá bán than so với năm 2011 giảm từ 20-50%. Trong khi đó, thời điểm tăng giá bán than vào điện chậm hơn so với kế hoạch của Bộ Tài chính đã làm giảm doanh thu của ngành Than tới 1.500 tỷ đồng. Cũng từ giữa năm, Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu than từ 10-13%, nhưng lại không đồng hành với xu hướng giảm của giá than trên thị trường thế giới, đã làm giảm đáng kể lượng than xuất khẩu của Vinacomin trong quý III và quý IV năm 2013. Tuy nhiên, được sự tạo điều kiện của các bộ, ngành T.Ư và tỉnh, giá bán than vào điện đã được điều chỉnh, thuế xuất khẩu than được điều chỉnh trở lại từ đầu quý III năm 2013, đồng thời một số quy hoạch vùng đổ thải của các mỏ lộ thiên lớn ở TP Cẩm Phả đã được quy hoạch, các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh đã từng bước được tháo gỡ. Vì thế tình hình sản xuất than trong năm 2013 đã dần có những tín hiệu tích cực.
Bước vào năm 2014, theo kế hoạch của ngành Than và yêu cầu than dự kiến cho các năm tới tăng cao, nhưng thủ tục cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác cho một số dự án đã trình rất chậm; tỉ trọng khai thác hầm lò tăng, khai thác lộ thiên giảm, các chi phí về nguyên vật liệu đầu vào, phí cấp quyền khai thác, thuế tài nguyên tăng 2%, trong khi giá xuất khẩu không tăng đã tác động không nhỏ đến SXKD của ngành. Do đó, đề nghị, HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục xem xét, tháo gỡ khó khăn cho ngành Than. Cụ thể là cần xem xét chính sách thuế tài nguyên, phí môi trường, nhất là không nên tăng trong giai đoạn hiện nay để Vinacomin cân đối được tài chính, tiếp tục đầu tư duy trì phát triển sản xuất ổn định lâu dài; tạo điều kiện cho ngành Than vị trí phù hợp để đầu tư một số nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch...
Đại biểu Đặng Sinh, tổ Bình Liêu: “Cụ thể hoá các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội sát hợp với tình hình”
Trong năm 2013, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, kiên trì, kiên quyết triển khai các giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Tỉnh đã chủ động hơn trong việc đề xuất với T.Ư tháo gỡ khó khăn, khắc phục kịp thời những việc làm chưa phù hợp... Nhờ đó đã tạo ra thế và lực mới, tập trung khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển, làm cho đời sống của nhân dân vẫn được duy trì ổn định.
Tuy vậy, trong năm qua, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, dẫn đến tốc độ tăng trưởng chậm, có một số mặt giảm sút; tình trạng khó khăn của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết thực sự có hiệu quả... Chính vì thế, để duy trì sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2014 và những năm sau đó, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp. Nhất là cần phải cụ thể hoá các giải pháp phát triển kinh tế sát hợp với tình hình. Trọng tâm là: Tập trung xây dựng hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; làm tốt việc quy hoạch, sắp xếp, cơ cấu lại đầu tư công thông qua việc nhận diện rõ những nhiệm vụ, những mục tiêu, giải pháp để thực hiện; tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn vay, thủ tục xin cấp phép dự án; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch mới để có cơ sở xây dựng các dự án, đề án phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý; tăng cường đầu tư cho phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn liền với đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM... Về an sinh xã hội, tỉnh cần tiếp tục đầu tư để nâng cấp hệ thống trường học, cơ sở khám chữa bệnh, các trung tâm văn hoá - thể thao. Đi đôi với đó là không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, khám chữa bệnh...
Đại biểu đào Thanh Lưỡng (tổ Đầm Hà): “Dành nguồn lực xứng đáng cho phát triển dịch vụ - du lịch”
Tôi đồng tình và nhất trí cao với nội dung của các báo cáo, tờ trình đã trình tại kỳ họp và kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2013, các giải pháp, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014. Tôi xin có một vài ý kiến đề xuất. Cụ thể, trong các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đề nghị tỉnh và các ngành quan tâm hơn nữa đến mảng dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch vì hiện tiềm năng du lịch của tỉnh là rất lớn, nhưng khai thác chưa hiệu quả. Trước mắt cần xây dựng thương hiệu dịch vụ và du lịch Quảng Ninh, trong đó đặc biệt quan tâm đến quản lý giá cả dịch vụ du lịch, phải đảm bảo ổn định giá ngày thường cũng như ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Cũng trong giải pháp phát triển kinh tế, đề nghị tỉnh quan tâm nhiều hơn nữa tới ngành thuỷ sản để phát huy lợi thế vùng biển đảo và thềm lục địa của tỉnh.
Đại biểu Ninh Thị Xuân (tổ Ba Chẽ): “Tập trung ưu tiên đầu tư cho vùng sâu, vùng xa của tỉnh”
Năm 2013, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song nhờ sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của tỉnh, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản đạt khá. Cùng với nhiều địa phương trong tỉnh, huyện Ba Chẽ đã bứt phá vươn lên. Tuy vậy, do điều kiện khí hậu, thời tiết, giao thông của huyện còn nhiều khó khăn, nguồn thu ngân sách của huyện đạt thấp. Ba Chẽ vẫn là địa phương còn khó khăn về nhiều mặt. Để kinh tế - xã hội của Ba Chẽ nói riêng và các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa tiến kịp với miền xuôi, cùng với triển khai nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, tỉnh cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội cho các huyện miền núi. Cụ thể là: Tăng cường bác sĩ giỏi tại bệnh viện tuyến tỉnh về công tác tại tuyến huyện miền núi theo thời gian nhất định, nhằm giúp bác sĩ các huyện nâng cao về trình độ, chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Thời gian qua, tỉnh đã có chủ trương giao Sở GT-VT làm chủ đầu tư xây dựng cầu cứng thay thế 3 đập tràn trên tỉnh lộ 330 chạy dọc huyện Ba Chẽ để tạo thuận lợi cho giao thông giữa các xã.
Cơn bão số 14 vừa qua đổ bộ vào địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương. Để giúp người dân có điều kiện tái sản xuất nông - lâm nghiệp, ổn định cuộc sống, đề nghị tỉnh tiếp tục nghiên cứu, rà soát bổ sung vào danh mục hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân bị thiệt hại về nông - lâm nghiệp do thiên tai gây ra.
Đại biểu Trịnh Thị Minh Thanh (tổ Hạ Long): “Có cơ chế phù hợp để sớm di dời các cơ sở sản xuất TTCN ra khỏi khu dân cư”
Hiện trên địa bàn TP Hạ Long có 174 cơ sở sản xuất TTCN gây ô nhiễm môi trường; trong đó, 74 cơ sở phải di dời và 100 cơ sở phải dừng sản xuất. Ngay sau khi có hướng dẫn liên ngành Sở Tài chính, LĐ-TB&XH, thành phố đã chủ động, tích cực chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai, phấn đấu di dời hoàn thành theo đúng lộ trình 5 năm (2012-2016). Tuy nhiên, thành phố hiện gặp một số khó khăn do phần lớn các cơ sở này có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, không có nhu cầu và khả năng tài chính để mở rộng SXKD và khó có khả năng thuê một ô đất trong cụm công nghiệp Hà Khánh. Hệ thống cấp điện tại cụm công nghiệp Hà Khánh được đấu nối từ nguồn điện 22kV, nên để có điện phục vụ sản xuất thì mỗi cơ sở sản xuất phải đầu tư thêm 1 trạm điện hạ thế với mức đầu tư khoảng 200 triệu đồng/trạm. Vì thế, các cơ sở càng gặp khó khăn về nguồn lực tài chính. Trong cụm công nghiệp Hà Khánh hiện chưa đầu tư xây dựng được hệ thống xử lý nước thải nên đã ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sản xuất, môi trường và tiến độ di dời các cơ sở này. Đề nghị HĐND tỉnh xem xét, bổ sung chính sách về: Chủ đầu tư cụm công nghiệp được tỉnh hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho mỗi cụm công nghiệp sau khi đã xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, nhưng tối đa không quá 10 tỷ đồng. Có như vậy thì, việc di dời các cơ sở sản xuất sẽ được thực hiện hiệu quả hơn.
Quang Minh - Nguyễn Huế - Minh Thu (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()