Đến với Tuyên Quang, du khách không chỉ được hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp của Na Hang, Thác Mơ, Động Tiên... mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày. Ẩm thực của người Tày nơi đây rất đa dạng với nhiều món ăn đặc trưng như cơm lam, xôi ngũ sắc, thịt lợn chua và không thể thiếu bánh coóc mò.
Trong tiếng Tày bánh có tên "péng uất", một món bánh quen thuộc ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Ngoài ra, người dân còn gọi là bánh sừng bò vì có hình chóp nhọn, trông giống sừng bò. Hiện nay, thường chỉ những người lớn tuổi mới hay làm bánh coóc mò vì cách gói khá đặc biệt mà không phải ai cũng biết làm.
Coóc mò được làm từ gạo nếp, đỗ đen trộn lẫn vào với nhau, được gói bên trong lá chuối hoặc lá chít rồi được buộc bên ngoài bằng lạt làm từ tre giang. Ngoài đỗ đen, người dân nhiều vùng khác dùng lạc hoặc đỗ xanh, đều làm cho bánh ngon hơn.
Gạo nếp cái hoa vàng là nguyên liệu chính để làm bánh coóc mò thơm, ngon và dẻo hơn. Gạo nếp sau khi ngâm khoảng 2-3 tiếng sẽ được trộn lẫn với lạc hoặc đỗ. Khi gói bánh, phải nén gạo chặt tay, nước không ngấm vào, ăn bánh sẽ ngon. Khi nước đã sủi tăm, bánh được thả vào nồi và luộc trong khoảng 2-3 tiếng.
Chị Ma Thị Dung là một người Tày ở Bản Rùa, Chiêm Hóa, Tuyên Quang có chia sẻ: "Tuổi thơ của những đứa nhỏ vùng Chiêm Hóa vào những đêm đông, ngồi canh nồi bánh coóc mò của bà bên bếp củi giữa ngôi nhà sàn, rồi cả nhà cùng nhau thưởng thức bánh nóng hổi, thơm mùi lá chuối với gạo nếp. Hồi còn đi học, mỗi lần mình mang món bánh này đến lớp là cả lũ lại kéo đến tranh nhau ăn".
Để thưởng thức bánh coóc mò không khó, vì bánh có quanh năm và được bày bán thành từng chùm, từng cặp trong các dịp chợ phiên. Hoặc nếu bạn đến các gia đình người Tày ở Chiêm Hóa, hầu như nhà nào cũng biết làm món bánh này. Bánh coóc mò ăn ngon nhất là được chấm với lạc, muối, vừng giã nhỏ. Cắn miếng bánh coóc mò, bạn sẽ cảm nhận được hương vị dẻo thơm từ những hạt gạo nếp tròn trịa, thơm bùi từ đỗ đen, đỗ xanh, béo ngậy của nhân lạc và thơm dịu mùi hương lá chít, lá chuối.
Theo truyền thống, trong ngày đầy tháng của trẻ nhỏ, bất kể mùa nào, người Tày cũng làm bánh coóc mò. Những chiếc bánh nhỏ xinh được đặt tận tay trẻ cùng lời chúc hay ăn, chóng lớn, mạnh khỏe, ngoan ngoãn của ông bà, cha mẹ. Coóc mò không chỉ là thức quà dân dã mà còn thể hiện ước nguyện mùa màng bội thu, vừa là biểu tượng về tình đoàn kết, sung túc, luôn sát cánh bên nhau của đồng bào dân tộc Tày.
Ý kiến ()