Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 10:21 (GMT +7)
Báo cáo Sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ tại di tích Bạch Đằng
Thứ 3, 13/07/2021 | 15:32:45 [GMT +7] A A
Sáng 13/7, tại TX Quảng Yên đã diễn ra Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả thăm dò khảo cổ tại Di tích Bạch Đằng. Hội nghị có sự tham gia của các chuyên gia về lịch sử, văn hóa, khảo cổ học của Viện khảo cổ học Việt Nam, Khoa Khảo cổ - Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc Gia Hà Nội), Sở Văn hóa & Thể thao, Bảo tàng Quảng Ninh và ngành văn hóa TX Quảng Yên.
Từ tháng 4/2021, Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV – Đại học Quốc gia Hà Nội, tiến hành các cuộc thăm dò khảo cổ học tại khu vực Bãi cọc Yên Giang, Đồng Vạn Muối, Đồng Má Ngựa nhằm đánh giá trữ lượng khảo cổ tại những vị trí tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến thị xã Đông Triều sẽ đi qua. Kết quả nghiên cứu cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho việc quy hoạch hướng tuyến đường, đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Đoàn khảo cổ đã tiến hành thăm dò 5 hố với tổng diện tích 243m2, trong đó khu vực Yên Giang 1 hố diện tích 100m2, khu vực Đồng Vạn Muối 3 hố diện tích 93m2, khu vực Đồng Má Ngựa 1 hố diện tích 50m2. Vị trí các hố thăm dò nằm trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích, và nằm trên vị trí tuyến đường ven sông.
Kết quả khai quật, ở khu vực Yên Giang đã tìm thấy một số đồ gia dụng như mảnh nắp, mảnh nồi, vò, sành thời Trần. Khu vực Đồng Vạn Muối chủ yếu thu được các di vật gốm như: thô, gốm men, sành và các hiện vật thời Pháp thuộc, cùng một số hiện vật cọc gỗ nhỏ, mẩu gỗ vụn có màu nâu đen.
Khu vực Đồng Má Ngựa có 1 đĩa tráng men và chưa phát hiện dấu vết cọc gỗ. Các nhà khoa học cần có thêm thời gian để kết luận các di vật này có liên quan đến chiến trường Bạch Đằng không.
Mặt khác, phạm vi thăm dò chiếm tổng diện tích chưa đến 1% so với tổng diện tích khu vực khoanh vùng mà tuyến đường chạy qua. Do đó, để đảm bảo việc thi công không phá hủy các di sản liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng, các nhà khoa học đề xuất trong quá trình thi công cần tiếp tục theo dõi, giám sát khảo cổ học để kịp thời xử lý di tích, di vật xuất lộ trong quá trình thi công. Mặt khác cũng nên điều tra tổng thể dọc tuyến đường đi qua nhằm đánh giá trữ lượng văn hóa; từ đó có giải pháp nghiên cứu, giải phóng hoặc bảo tồn di tích cho phù hợp.
Xuân Hòa
Liên kết website
Ý kiến ()