Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:20 (GMT +7)
Bảo đảm an toàn cho trẻ em dịp hè
Thứ 4, 29/05/2024 | 13:42:56 [GMT +7] A A
Tai nạn thương tích ở trẻ em xảy ra bởi nhiều nguyên nhân, có cả yếu tố chủ quan xuất phát từ chính bản thân trẻ và yếu tố khách quan như môi trường sống thiếu an toàn, sự bất cẩn của người lớn... Trong dịp hè, số vụ tai nạn thương tích ở trẻ thường có xu hướng gia tăng. Do đó, cần có sự chủ động chuẩn bị, phòng ngừa những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn, bảo vệ an toàn cho trẻ với sự vào cuộc của cả cộng đồng.
Nghỉ hè là dịp trẻ em có nhiều thời gian để tự do vui chơi, nhưng cũng vì thế mà gia tăng các nguy cơ tiềm ẩn bị tai nạn thương tích. Với tính tò mò, hiếu động, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ an toàn, nên chỉ cần một phút lơ là của người lớn, trẻ có nguy cơ bị tai nạn. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ 2-5 tuổi thường gặp tai nạn thương tích tại nhà như ngã, bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, điện giật... Còn trẻ từ 6-14 tuổi thường gặp tai nạn giao thông, động vật cắn và nhất là bị đuối nước khi tắm ao hồ, sông suối khi thời tiết nắng nóng kéo dài...
Trước thực trạng này, nhiều biện pháp phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đã được các cấp, ngành, đoàn thể trong toàn tỉnh tích cực vào cuộc thực hiện. Bao gồm việc triển khai thực hiện Kế hoạch số 107/KH-UBND ngày 19/4/2024 của UBND tỉnh về việc thực hiện Tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh hè 2024. Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là phát huy vai trò đồng thời của cả nhà trường, gia đình và chính quyền, các tổ chức, đoàn thể, để phối hợp tổ chức tốt việc quản lý, giám sát trẻ em vui chơi an toàn, lành mạnh.
Những ngày trước khi kết thúc năm học 2023-2024, nhiều trường học của Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với công an, đoàn thanh niên các địa phương tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Nội dung tập trung vào tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng phòng ngừa tai nạn thương tích, giúp các em có sự chuẩn bị tốt nhất cho một kỳ nghỉ hè kéo dài với nhiều hoạt động.
Như tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tiên Yên, buổi ngoại khóa diễn ra vào trung tuần tháng 5 vừa qua đã tập trung cảnh báo về tác hại của việc cố tình vi phạm an toàn khi điều khiển xe máy tham gia giao thông. Bao gồm tình trạng không sử dụng mũ bảo hiểm, hoặc sử dụng loại mũ kém chất lượng chỉ để đối phó... cho đến các hành vi tụ tập đua xe, gây rối trật tự công cộng. Còn tại Trường Tiểu học Hải Hòa (TP Móng Cái), buổi ngoại khóa được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua tập trung vào tuyên truyền cho gần 1.000 học sinh về phòng ngừa đuối nước. Bao gồm việc lưu ý các em nhận biết những địa điểm ao hồ, bãi biển thiếu an toàn; luôn có sự giám sát của người lớn khi đi bơi...
Để ngăn ngừa những tình huống rủi ro, các địa phương trong tỉnh cũng đang tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Nhất là tiến hành rà soát, cảnh báo kịp thời tại các bãi tắm, bể bơi, sông hồ, các công trình xây dựng, địa điểm công cộng... nhằm khắc phục những nguy cơ tiềm ẩn, giảm thiểu rủi ro.
Cùng với đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp với từng nhóm đối tượng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng ngừa tai nạn thương tích trẻ em. Trong dịp hè, đoàn thanh niên là đầu mối trong phối hợp quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi bằng các hoạt động hè bổ ích, ý nghĩa. Đặc biệt là chính các gia đình cũng cần chủ động có biện pháp phù hợp để giáo dục, nhắc nhở, quản lý tốt con em mình. Bởi tai nạn thương tích có thể xảy ra ngay tại nhà, gây ra hậu quả nặng nề nếu thiếu sự chuẩn bị, đề phòng từ sớm.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND (ngày 21/7/2023) về triển khai Chương trình phổ cập bơi an toàn phòng, chống đuối nước giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định một số mục tiêu đến năm 2025 gồm:
- Đạt 100% các huyện, thị xã, thành phố có bể bơi cấp huyện đủ tiêu chuẩn luyện tập và thi đấu cho thanh thiếu niên;
- Đạt 90% số hộ gia đình toàn tỉnh được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em;
- Hằng năm tổ chức từ 1 đến 2 giải bơi cấp tỉnh theo các nhóm tuổi, bao gồm giải bơi học sinh (thanh, thiếu niên, nhi đồng); tổ chức từ 1 đến 2 lớp tập huấn nghiệp vụ về chương trình bơi an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước cho cán bộ cấp xã, giáo viên dạy thể chất tại các trường phổ thông, cộng tác viên cơ sở...
|
Văn Bá
Liên kết website
Ý kiến ()