Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:57 (GMT +7)
Dành cho trẻ em những điều tốt đẹp
Thứ 7, 25/05/2024 | 07:36:34 [GMT +7] A A
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Sự quan tâm đặc biệt ấy còn bắt nguồn từ tầm nhìn xa, trông rộng “Vì lợi ích trăm năm”, từ chiến lược con người ấy Bác dày công “vun trồng” cho thế hệ mầm non của đất nước. Thực hiện tâm niệm của Người, thời gian qua, công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng (TNNĐ), nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, huy động sự chung tay của cộng đồng để mang đến cho các em những điều tốt đẹp nhất.
Dành quan tâm cho những hoàn cảnh khó khăn
Toàn tỉnh hiện có 372.115 trẻ em (dưới 16 tuổi), trong đó có 3.683 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 8.506 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn luôn được tỉnh dành nhiều sự quan tâm. Tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách, chỉ đạo cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực thông qua hệ thống các văn bản chỉ đạo sát sao từ việc xây dựng các kế hoạch theo chỉ đạo của Trung ương, đến giám sát triển khai, căn cứ theo tình hình thực tế của địa phương trong triển khai công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em một cách tốt nhất.
Cùng với triển khai các chính sách của Trung ương cho các đối tượng trẻ em cần được trợ giúp, tỉnh đã ban hành những chính sách riêng nhằm đảm bảo việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, trong đó có quyền được bảo vệ, quyền được chăm sóc, học tập… để phát triển toàn diện. Tính riêng năm 2023, toàn tỉnh có 8.450 lượt trẻ em được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của Nhà nước với số tiền 54,889 tỷ đồng. Trong đó, có 3.078 lượt trẻ em được hỗ trợ theo Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền 39,230 tỷ đồng; 5.372 lượt trẻ em được hỗ trợ với tổng số tiền 15,659 tỷ đồng theo Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
Các địa phương, đơn vị trong tỉnh cũng chủ động phát động các cuộc vận động, phong trào thi đua, tổ chức hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ TNNĐ sát hợp với địa bàn và đối tượng. Trong đó, công tác vận động nguồn lực của toàn xã hội cho các hoạt động vì trẻ em được triển khai rộng khắp. Trong năm qua, toàn tỉnh đã vận động trên 22 tỷ đồng chi cho các hoạt động thăm hỏi, tặng quà trẻ em dịp lễ, tết, năm học mới và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó chú trọng hỗ trợ, tặng học bổng, xe đạp, góc học tập, sửa chữa nhà, khám bệnh và phát thuốc miễn phí, phẫu thuật tim, phẫu thuật mắt, hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng… cho hàng chục nghìn lượt trẻ em.
Đồng thời, triển khai nhiều mô hình, cách làm thiết thực với phương châm mang đến cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất. Điển hình, tại TP Hạ Long, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ, cấp ủy, chính quyền, đơn vị, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Nổi bật, Chương trình "Đỡ đầu 120 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn" phát động tháng 11/2023, đến nay đã huy động sự tham gia của 69 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân nhận đỡ đầu 120 trẻ em khó khăn với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/em/tháng cho đến khi các em đủ 18 tuổi. Tổng số tiền hỗ trợ 120 trẻ em là hơn 1,4 tỷ đồng/năm. Chương trình triển khai đã giúp nhiều trẻ em ổn định cuộc sống, vươn lên trong học tập. Những ước mơ của các em có thêm cơ hội được thắp sáng. Để chương trình tiếp tục lan toả sâu rộng, MTTQ TP Hạ Long và các tổ chức thành viên tiếp tục kêu gọi, huy động nguồn lực để mang được nhiều hỗ trợ hơn nữa cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn...
Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai đến tất cả các cơ sở hội trong tỉnh hỗ trợ, đỡ đầu trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong năm 2023, các cấp hội phụ nữ đã vận động, kết nối mới và trực tiếp hỗ trợ, đỡ đầu cho 211 trẻ, nâng tổng số trẻ được hỗ trợ đến nay là 506 trẻ, với trên 2,2 tỷ đồng. Chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, với sự hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần đã tiếp thêm động lực, niềm tin để trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt vươn lên.
Để nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc, giáo dục TNNĐ, những năm qua các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng tăng cường phối hợp, triển khai hiệu quả cuộc vận động “Thiếu nhi Quảng Ninh thi đua làm theo 5 điều Bác Hồ dạy”. Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo 100% liên đội thực hiện lễ chào cờ đầu tuần theo quy định Điều lệ Đội TNTP Hồ Chí Minh và tổ chức sinh hoạt dưới cờ với chủ đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, nhằm giáo dục, khơi dậy và vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, thương yêu, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, nhất là các bạn có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cơ sở duy trì hiệu quả phong trào "Kế hoạch nhỏ", “Nhật ký thiếu nhi làm theo lời Bác”, “Nghìn việc tốt”. Tháng Thanh niên hằng năm, các cơ sở đoàn phát động nhiều hoạt động ý nghĩa. Điển hình, thực hiện ngày cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện vì đàn em thân yêu” trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2023, các cấp bộ đoàn đã huy động trên 200 suất quà tặng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng 5 công trình sân vui chơi cho thiếu nhi, tổng trị giá trên 600 triệu đồng; tổ chức trên 50 hoạt động tuyên truyền về Luật Trẻ em, các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; các hoạt động thăm, khám bệnh; các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống xâm hại, tai nạn thương tích, đuối nước, kỹ năng an toàn trên môi trường mạng. Tỉnh Đoàn còn phối hợp với Đoàn Thanh niên TKV khai trương 2 “Phòng học máy tính cho em” tại xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long), xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ)...
Nhằm tạo khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp trong các cấp bộ đoàn, ĐVTN bước vào Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024, dự kiến ngày 26/5, BTV Tỉnh Đoàn, Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tổ chức Chương trình ra quân Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè 2024 tại phường Hoành Bồ (TP Hạ Long). Qua đó, tiếp tục phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh thiếu niên trong tham gia phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo...
Đặc biệt, với vai trò “cầu nối” người khuyết tật, trẻ mồ côi với những tổ chức, cá nhân hảo tâm, hằng năm, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh tổ chức lễ phát động “Nối vòng tay nhân ái vì người khuyết tật và trẻ mồ côi” nhằm kêu gọi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân tham gia ủng hộ. Riêng năm 2023, lễ phát động do Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Truyền thông tỉnh tổ chức đã huy động được trên 8,1 tỷ đồng ủng hộ. Ngoài ra, Hội còn vận động nhận đỡ đầu cho 138 học sinh mồ côi, khuyết tật với mức từ 500.000-1.000.000 đồng/em/tháng. Năm học 2023-2024, đã có 267 học sinh mồ côi, khuyết tật được nhận đỡ đầu. Theo ông Lãnh Thế Vinh, đầu năm 2024 đến nay, Hội tiếp tục phối hợp rà soát đối tượng người khuyết tật và trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện trợ giúp. Hội sẽ kết nối với các đơn vị để đỡ đầu học sinh mồ côi, khuyết tật năm học 2024-2025; liên kết đơn vị đào tạo nghề cho học sinh mồ côi, khuyết tật. Sự hỗ trợ này rất thiết thực để giúp các em vượt qua khó khăn, hòa nhập cộng đồng, vững bước đến tương lai.
Theo kế hoạch, hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em và các hoạt động quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh hè năm 2024 và nhân dịp Tết Thiếu nhi (1/6), ngày 31/5, Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh phối hợp tổ chức vui Tết Thiếu nhi và tặng nhiều phần quà cho trẻ em khuyết tật, mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn).
Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”. Dự kiến ngày 28/5, cấp tỉnh tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và hoạt động quản lý giáo dục thanh thiếu niên, học sinh hè năm 2024 gắn với tiếp nhận Quỹ Bảo trợ trẻ em Quảng Ninh; trao hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với cấp huyện, cấp xã cũng tổ chức các hoạt động bằng chuỗi các hoạt động vì trẻ em. Theo kế hoạch, các địa phương tổ chức Lễ phát động triển khai Tháng hành động vì trẻ em và các hoạt động hè năm 2024 gắn với phát động toàn dân luyện tập môn bơi, ngày Olympic trẻ em và các hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào “Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em”, như: Ký cam kết phòng chống xâm hại trẻ em, phòng tránh đuối nước; dạy bơi cứu đuối, hội thi bơi; ngày hội văn hoá thể thao cho trẻ em; trao hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng, nâng cấp các công trình (trường học, lớp học, nhà bán trú, thư viện, sân chơi…) dành cho trẻ em. Mỗi xã, phường, thị trấn đặt mục tiêu có ít nhất 1 công trình, phần việc như “Vì đàn em thân yêu”, “Ngôi nhà khăn quàng đỏ”, “1.000 góc học tập - Cùng em hướng tới tương lai”, “Sân trường - sân chơi hè cho trẻ em”...
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, trường học căn cứ tình hình thực tế triển khai tích cực các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, phòng chống xâm hại, đuối nước, chăm sóc sức khoẻ tâm thần trẻ em. Mỗi CBCCVC, mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội… có một hành động thiết thực vì trẻ em.
Mới đây, ngày 11/4, Phòng LĐ-TB&XH TP Hạ Long đã tổ chức tập huấn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm 2024 nhằm nâng cao kiến thức cho học viên về chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Trong đó, chú trọng kiến thức phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh cho trẻ trong trường học, tại gia đình và cộng đồng; tham gia giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục; phòng chống bóc lột trẻ em, không sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật; tuyên truyền về các dịch vụ trợ giúp trẻ em... Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo, quản lý và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền trẻ em, bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện; phòng ngừa, kiểm soát, giảm thiểu nguy cơ trẻ em bị xâm hại, tai nạn thương tích…
Có thể thấy, tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể về an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho trẻ em, tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vẫn còn một số những khó khăn. Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH, hiện trên địa bàn tỉnh có 3.683 trẻ em bị khuyết tật và khuyết tật đặc biệt nặng, trẻ mồ côi, trong đó có 8.506 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Có những trẻ chưa thuộc diện được hưởng chính sách của Nhà nước, nhưng đang rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ để có thể được đảm bảo phát triển bình đẳng, nhất là những trẻ em hiện đang sống ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em là người dân tộc thiểu số… Vì vậy, rất cần sự quan tâm chăm lo của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội để mọi trẻ em được chăm lo, phát triển toàn diện.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()