Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:20 (GMT +7)
Bảo đảm an toàn giao thông khu vực nông thôn
Thứ 2, 21/11/2022 | 16:36:58 [GMT +7] A A
Mạng lưới đường giao thông phủ kín, phương tiện giao thông phát triển nhanh khiến cho khu vực nông thôn ngày càng tiềm ẩn nhiều hơn các nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT). Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đồng bộ đã và đang được triển khai thực hiện và tạo chuyển biến tích cực.
Nguy cơ mất trật tự ATGT không chỉ là câu chuyện tại các vùng đô thị đông người và phương tiện giao thông, mà còn diễn ra ngày càng nhiều hơn ở khu vực nông thôn, miền núi trong tỉnh. Bởi những năm gần đây, gần 2.000km đường liên xã, liên thôn của Quảng Ninh đều đã và đang được xây dựng, nâng cấp, kể cả khu vực vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, đời sống người dân nông thôn nhìn chung ngày càng được nâng cao, nhiều gia đình có điều kiện mua sắm phương tiện xe máy, ô tô để phục vụ đi lại và giao thương, khiến cho lưu lượng giao thông khu vực nông thôn tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, một bộ phận người dân có ý thức chấp hành pháp luật về giao thông còn hạn chế. Nhiều hành vi vi phạm quy định về trật tự ATGT dễ bắt gặp như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, thanh niên phóng nhanh vượt ẩu, điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã uống rượu bia... Thậm chí nhiều người không ngần ngại đưa ra lý do bao biện cho hành vi vi phạm: Vì nhà gần, đi loanh quanh trong thôn, xóm thì cần gì phải khắt khe...
Nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông ở khu vực nông thôn cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là vai trò nòng cốt của lực lượng công an cấp huyện, xã trong việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Song nguyên nhân phần lớn các vụ tai nạn xảy ra đều bắt nguồn từ sự bất cẩn, thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương đều rất chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, gắn với các buổi họp, sinh hoạt văn hóa của thôn, bản, chi hội đoàn thể... để nâng cao nhận thức pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân.
Tìm hiểu tại xã Yên Than (huyện Tiên Yên), chúng tôi được Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Yên Than Đinh Văn Khôi, cho biết: “Hằng tháng, giữa ban lãnh đạo các thôn và Công an xã đều có kế hoạch phối hợp cụ thể để tuyên truyền luật giao thông cho người dân. Đơn cử như việc tuyên truyền các hộ bám mặt đường quốc lộ phải chấp hành nghiêm quy định hành lang an toàn giao thông, không lấn chiếm lòng đường vỉa hè. Còn vào những thời điểm thu hoạch keo, các hộ dân cũng cam kết thực hiện vận chuyển an toàn, không cản trở giao thông, không vi phạm tải trọng, kích thước thành thùng xe theo quy định... Đội ngũ cán bộ các thôn cũng rất trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động, đã làm thay đổi cơ bản nhận thức của người dân trên địa bàn”.
Nhiều khu dân cư khác trong tỉnh còn có cách làm là đưa việc thực hiện chấp hành Luật Giao thông đường bộ vào hương ước, quy ước, lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua, xét công nhận gia đình, khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của mỗi người, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Hệ thống giao thông nông thôn được cải thiện cũng sẽ góp phần giúp người dân giao lưu, thông thương thuận tiện, an toàn hơn. Trong nhiệm vụ xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương trong tỉnh đều chú trọng đến việc nâng cấp hạ tầng giao thông, bao gồm: mở rộng các tuyến đường ngang, đường nhánh, khắc phục các vị trí khuất tầm nhìn, bổ sung hệ thống biển báo, cảnh báo nguy hiểm tại các nút giao nhau. Tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông, họp chợ tự phát... được quan tâm chấn chỉnh.
Theo dự đoán của cơ quan chức năng, từ nay đến cuối năm 2022, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh gia tăng do nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân tăng. Vì vậy, công tác đảm bảo trật tự ATGT sẽ tiếp tục được tăng cường.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()