Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:28 (GMT +7)
Bảo đảm mục tiêu tạo việc làm tăng thêm cho ít nhất 20.000 lao động
Thứ 2, 12/06/2023 | 11:21:00 [GMT +7] A A
Nghị quyết 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 128/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 của HĐND tỉnh đã đề ra chỉ tiêu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm trong năm 2023. Để làm rõ hơn nội dung này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (ảnh).
- Ông cho biết những giải pháp của Sở LĐ-TB&XH để giải quyết việc làm cho người lao động thời gian qua?
+ Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu tạo việc làm tăng thêm hằng năm gắn với chỉ tiêu phát triển KT-XH tại các địa phương, đồng thời phối hợp xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình việc làm của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 7 đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm là: Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh (thuộc Sở LĐ-TB&XH), 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, 3 doanh nghiệp cho thuê lại lao động. Đây là những kênh kết nối người sử dụng lao động với người lao động, tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động có cơ hội bình đẳng trong tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tuyển dụng lao động.
Thông tin thị trường lao động tỉnh đang được triển khai liên tục thông qua tổ chức giao dịch việc làm trực tuyến kết nối các địa điểm của tỉnh với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc… qua các nền tảng mạng xã hội, fanpage của sàn giao dịch việc làm tỉnh Quảng Ninh nhằm cung cấp rộng rãi thông tin cho người sử dụng lao động và người lao động.
Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với Sở Tài chính và Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Quảng Ninh đề xuất UBND tỉnh xem xét bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình giải quyết việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động. Hằng năm, ngân sách tỉnh đều bố trí kinh phí dự toán chi thường xuyên để hỗ trợ người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện cũng được tập trung triển khai.
- Với nỗ lực của tỉnh, ngành và địa phương, công tác giải quyết việc làm cho lao động đã đạt được những kết quả gì?
+ Ngay từ đầu năm, từ tỉnh đến các ngành, địa phương đều nỗ lực trong việc tạo vị trí việc làm mới cho người lao động. Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội đều tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác giải quyết việc làm đối với sự phát triển KT-XH trên địa bàn; lồng ghép, tích hợp các mục tiêu, chỉ tiêu về tạo việc làm vào chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương; thực hiện nhiều chính sách, biện pháp khuyến khích, nâng cao hiệu quả thu hút dự án đầu tư ngoài NSNN, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế…
Theo rà soát, tổng nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm năm 2023 là 1.852 tỷ đồng cho 25.471 người lao động với mức vay bình quân 73 triệu đồng/lao động. Trong những tháng đầu năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã được bổ sung 320 tỷ đồng. Bằng các nguồn vốn, ngân hàng đã giải ngân cho 8.399 khách hàng vay vốn với số tiền 567 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8.400 lao động.
Bằng các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt, trong năm 2022, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 39.000 lượt lao động, trong đó tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 13.200 lao động.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tạo việc làm tăng thêm cho ước tính 9.600 người, trong đó tập trung chủ yếu vào các khu vực công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, phù hợp với thực tiễn địa phương.
- Để hoàn thành mục tiêu Nghị quyết số 12-NQ/TU đề ra, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục có những giải pháp gì trong những tháng cuối năm?
+ Công tác tạo việc làm luôn song hành cùng với sự phát triển KT-XH của địa phương. Do đó, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tập trung phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động hỗ trợ trong cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp theo định hướng của tỉnh; đôn đốc các địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tạo việc làm tăng thêm cho ít nhất 20.000 lao động được giao; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút lao động, đào tạo nghề. Đồng thời, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp; phối hợp đề xuất với tỉnh các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nguồn lao động tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng về nhà ở, khu thương mại… phục vụ lao động.
Sở cũng sẽ tăng cường hiệu quả kết nối thông tin thị trường lao động; đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm kết hợp đào tạo nghề; nâng cao năng lực tư vấn, giới thiệu việc làm của các đơn vị hoạt động dịch vụ việc làm và trong vận hành các sàn giao dịch việc làm; tiếp tục rà soát, xem xét nhu cầu để bổ sung kinh phí cho hoạt động cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, định hướng ưu tiên nguồn vốn cho vay, đặc biệt trong các ngành, lĩnh vực thu hút nhiều lao động (công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ); quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều đối tượng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số; ưu tiên người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, lao động nông thôn vùng đặc biệt khó khăn, lao động sau khi tốt nghiệp các lớp đào tạo nghề.
Sở cũng sẽ phối hợp với Bộ CHQS tỉnh xây dựng đề án chính sách hỗ trợ công dân nhập ngũ và giải quyết việc làm cho quân nhân xuất ngũ hằng năm trên địa bàn tỉnh, đồng thời tổ chức hỗ trợ đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để quân nhân xuất ngũ nhanh chóng hội nhập với xu hướng phát triển KT-XH ổn định cuộc sống.
- Xin cảm ơn ông!
Cao Quỳnh - Thu Trang (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()