Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 10:30 (GMT +7)
Bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm
Thứ 6, 28/01/2022 | 11:34:48 [GMT +7] A A
Ngày 28/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, trong đó tập trung bàn việc ưu tiên phòng, chống dịch, bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm; làm tốt công tác an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người mọi nhà đều có Tết.
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 1 có nhiều sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, đối ngoại rất quan trọng, đánh giá lại công tác năm trước, đề ra nhiệm vụ giải pháp cho năm nay. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng thực hiện chương trình Tết, nhất là thăm hỏi, chúc Tết các gia đình chính sách, hộ nghèo, các lực lượng tuyến đầu, công nhân...
Hầu hết các ban, bộ, ngành, địa phương đã đánh giá công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022. Chúng ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP để phòng, chống dịch hiệu quả, thực hiện tốt các nhiệm vụ năm nay. Năm 2022 tiếp nối kết quả tích cực của quý IV/2021, cụ thể là, dịch bệnh được kiểm soát; xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác; nhiều chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt kết quả tích cực; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh được nối lại, khôi phục chuỗi cung ứng lao động.
Thủ tướng nêu rõ, phiên họp này tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, bàn triển khai công tác tháng 2, quý I và các tháng tiếp theo; hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội vừa qua...
Phiên họp cũng tập trung bàn việc ưu tiên phòng, chống dịch, bảo đảm nhân dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi, phấn khởi, tiết kiệm; làm tốt công tác an sinh xã hội, "không để ai bị bỏ lại phía sau", mọi người mọi nhà đều có Tết.
Thủ tướng chỉ đạo, có rất nhiều việc phải làm tốt, liên tục ngay cả trong Tết, bảo đảm triển khai tích cực công việc ngay từ những ngày đầu năm mới sau Tết Nguyên đán, không để tình trạng "tháng Giêng là tháng ăn chơi".
* Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 1, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại thị trường cao nhất từ trước đến nay, tăng 28,9% và 194% so cùng kỳ, thể hiện kỳ vọng, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế đối với triển vọng tăng trưởng năm 2022; quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh và các chính sách, giải pháp hỗ trợ đã ban hành tác động tích cực tới môi trường đầu tư kinh doanh.
Hoạt động dịch vụ tăng cao; lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá do thực hiện thí điểm đón khách du lịch quốc tế và khôi phục một số đường bay. Sức cầu của nền kinh tế đang tăng trở lại, nhất là thời gian gần Tết.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so cùng kỳ năm trước; nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 12/2021 đạt 29,5 tỷ USD tăng 11,5% so cùng kỳ năm trước; đã giải quyết hiệu quả việc xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ...
Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong các tháng cuối năm. Mặc dù năm 2021 có nhiều khó khăn hơn so năm 2020 do đặc thù của năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn, như: cần thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án như thiết kế lập dự toán, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, chuẩn bị nhân công, máy móc, vật liệu... và phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, thiếu hụt lao động... nhưng ước đến ngày 31/1/2022, tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt, giải ngân các tháng cuối năm tăng mạnh so 6 tháng đầu năm (64,45% kế hoạch cả năm) và cao hơn so cùng kỳ năm 2020 (64,04%).
Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy hiệu quả tích cực của các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đánh giá trong tháng 1, chúng ta đang kiểm soát tốt việc phòng, chống dịch, thể hiện qua việc bảo đảm nguồn vaccine, tiêm chủng được gần 180 triệu liều, đạt tỷ lệ rất cao; đã kiểm soát được và giảm rất sâu các ca bệnh nặng và tử vong.
Tuy nhiên, biến chủng Omicron lây lan nhanh, nguy cơ xuất hiện các biến chủng khác, ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tăng, do đó các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; thực hiện nghiêm nguyên lý chống dịch với 3 trụ cột chính.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện, tuyên truyền phục vụ Chiến dịch tiêm chủng vaccine thần tốc mùa Xuân 2022 để đạt các mục tiêu đề ra. Khẩn trương mua vaccine chuẩn bị tiêm cho các cháu từ 5 đến 11 tuổi.
Chủ động, tích cực hơn trong vấn đề thuốc điều trị Covid-19 và sinh phẩm y tế để đối phó với các tình huống xấu hơn có thể xảy ra; đề nghị Bộ Y tế sớm cấp phép cho các loại thuốc điều trị Covid-19 đã được thế giới công nhận để tránh tiêu cực, đầu cơ; tăng cường quản lý nhà nước để bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đồng thời góp phần chống tham nhũng, tiêu cực, "xin-cho".
Nâng cao năng lực điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở để giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Do đó phải nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở, nâng cấp các trang thiết bị của các cơ sở y tế; chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh thông tin, truyền thông cho người dân để nâng cao tinh thần cảnh giác với dịch bệnh, nhất là dịp Tết.
Tiếp tục xử lý các vụ việc tiêu cực điển hình liên quan các ngành, nhất là trong ngành y tế; chú trọng công tác phòng ngừa. Thực hiện các công việc đột xuất liên quan y tế phải được dự báo sát tình hình hơn để chủ động chuẩn bị, không để bị động, bất ngờ.
Về tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, Thủ tướng đánh giá nhìn chung có chuyển biến tích cực, khởi sắc: kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, giá cả... vẫn ổn định; CPI được kiểm soát; công tác bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân được chú trọng, nhất là chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đặc biệt trong dịp Tết này... Kết quả đạt được trong tháng 1 rất đáng được ghi nhận. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức.
Về nhiệm vụ, giải pháp của tháng 2 và các tháng tới, Thủ tướng cho biết, dự báo tình hình vẫn còn khó khăn, thời cơ đan xen khó khăn, thách thức, nhưng khó khăn, thách thức vẫn nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Chúng ta cũng chưa dự báo hết được những diễn biến đột xuất, bất ngờ sẽ xảy ra, do đó cần chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, nhận thức để tổ chức thực hiện với mức cao hơn
Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương bảo đảm cho mọi người dân, mọi nhà có Tết với tinh thần tình nghĩa, tri ân, an toàn, lành mạnh, vui tươi, tiết kiệm. Rà soát kỹ các đối tượng chính sách như người có công, người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nơi khó khăn, công nhân (kể cả ở thành thị).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành rà soát các đối tượng lang thang cơ nhỡ, các gia đình bị thiên tai dịch bệnh, các cháu mồ côi để có biện pháp hỗ trợ. Các bộ, ngành phải ứng trực Tết khoa học, hiệu quả, khi có vấn đề xảy ra có thể xử lý ngay, nhanh, hiệu quả.
Không tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên; không tham gia các lễ hội nếu không được phân công; cán bộ công chức cần ý thức không tham gia tụ tập đông người. Tổ chức tốt Tết trồng cây; tiếp tục chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đã được Chính phủ phát động. Các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm; phải rà soát, lựa chọn chủ đầu tư, nhà thầu đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch.
Đẩy mạnh đơn giản hóa các thủ tục hành chính, chống sách nhiễu, phiền hà; tháo gỡ khó khăn liên quan giải phóng mặt bằng, giao vốn; các bộ ngành, cơ quan ngang bộ chủ động phối hợp Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, cố gắng ban hành quy chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy phù hợp tình hình mới.
Rà soát lại các công việc để tháo gỡ về thể chế, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước kiểm soát dòng tiền chặt chẽ hơn. Bộ Tài chính kiểm soát chính sách tài khóa hiệu quả. Bộ Công thương bảo đảm chủ động cân đối hàng hóa thiết yếu, quản lý thị trường, bảo đảm cung ứng đủ điện; theo dõi mặt hàng năng lượng như xăng dầu, logistics..; chủ động nắm tình hình để điều chỉnh kịp thời, kịp thời can thiệp khi cung cầu và cạnh tranh không bình thường; phải tham mưu kịp thời cho Chính phủ vấn đề này.
Kiểm soát chặt các nguồn nguyên vật liệu cho xây dựng bởi đây là tài nguyên của nhà nước và nhân dân; việc này các bộ ngành liên quan nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, nếu luật chưa phù hợp thực tế thì phải nghiên cứu sửa đổi.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải sớm mở cửa du lịch nhanh nhất, sớm nhất nhưng phải khoa học, an toàn, hợp lý, hiệu quả, có lộ trình, chuẩn bị và điều kiện bảo đảm khác để công bố công khai.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chuẩn bị diễn tập để bảo đảm mở cửa lại trường học an toàn, có phương án ứng phó khi sự cố dịch bệnh xảy ra; phối hợp Bộ Y tế ban hành quy định vấn đề này thống nhất trên toàn quốc...
Chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm các quy định quản lý, kiểm soát, phối hợp chặt chẽ để người dân về quê ăn Tết được bình thường, kể cả lúc trở lại thành phố, các khu công nghiệp; ai tự ý đặt ra các quy định riêng trái với quy định chung thì phải bị xử lý. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc này.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội rà soát lại các đối tượng chính sách với tinh thần "Không để ai bị bỏ lại phía sau". Bộ Y tế ngoài việc chống dịch Covid-19 thì vẫn phải bảo đảm công tác khám chữa bệnh thường xuyên.
Bộ Quốc phòng phải giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Bộ Công an bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội , bảo đảm Tết an lành, vui tươi cho nhân dân; làm tốt công tác thông tin, truyền thông.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()