Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:43 (GMT +7)
Báo động tình trạng tai nạn lao động
Thứ 3, 06/08/2013 | 04:44:39 [GMT +7] A A
Liên tiếp trong những ngày vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng, làm chết nhiều người. Cụ thể, ngày 31-7, tại đường lò DV6, khu Đồng Vông, thuộc Phân xưởng K4 - Công ty TNHH một thành viên Than Đồng Vông (Công ty Than Uông Bí), đã xảy ra vụ tai nạn khiến 3 công nhân bị thiệt mạng. Nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn được xác định là do ngạt khí độc trong lò.
Ngay sau đó, vào ngày 2-8, tại lò thượng vận tải vỉa 47, khu Hồng Thái - Công ty TNHH một thành viên Than Hồng Thái (Công ty Than Uông Bí), lại xảy ra vụ tai nạn khiến 1 công nhân thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do nạn nhân bị trượt ngã ở vị trí sạt lở trong lò dẫn đến đá đè vào người.
Có thể nói, nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn nghiêm trọng trên không có gì là phức tạp, mới mẻ mà chỉ vì sự bất cẩn của người lao động. Hơn nữa, điều đáng nói trong vụ tai nạn tại Công ty Than Đồng Vông, là trong số các nạn nhân bị thiệt mạng có cả Phó Quản đốc trực ca và một giám sát viên an toàn lao động, vậy mà không phát hiện ra lượng khí độc trong lò ở mức đậm đặc, dẫn đến bị ngạt khí...
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 264 vụ TNLĐ, làm 265 người bị nạn, tăng 87 vụ và 84 người bị nạn so với cùng kỳ năm 2012. Đáng chú ý trong số đó có 17 vụ TNLĐ nghiêm trọng, làm chết 17 người (chưa tính số vụ và số người chết của 2 vụ vừa mới xảy ra). Nguyên nhân của các vụ tai nạn được ngành chức năng xác định chủ yếu là do các lỗi: Trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của người lao động còn nhiều hạn chế; chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về an toàn lao động chưa cao; việc triển khai biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp an toàn thiếu sát sao, cụ thể, chặt chẽ; công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đầy đủ theo thiết kế, hộ chiếu và quy trình kỹ thuật...
Từ thực tế các vụ TNLĐ vừa xảy ra cùng với sự gia tăng số vụ TNLĐ và số người bị nạn trong 7 tháng vừa qua cho thấy, tình trạng TNLĐ trên địa bàn tỉnh đã đến mức báo động. Vẫn biết rằng Quảng Ninh là địa bàn có tỷ lệ số vụ TNLĐ cao trong toàn quốc, do đặc thù tập trung nhiều doanh nghiệp khai thác than, trong đó các đơn vị khai thác than hầm lò chiếm số lượng lớn - nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Nói điều này không phải để bao biện cho những tồn tại trong công tác an toàn lao động. Tuy nhiên, từ thực tế này càng đòi hỏi công tác an toàn - bảo hộ lao động phải được chú trọng, nâng lên ở mức cao hơn, nhất là đối với các đơn vị sản xuất than. Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn đều đã được “vạch mặt chỉ tên”, vì vậy không có lý do gì cứ để nó tồn tại để rồi giáng tai hoạ, chết chóc xuống đầu người lao động. Trách nhiệm loại bỏ các nguy cơ, nguyên nhân dẫn đến tai nạn, trước hết thuộc về người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tiếp đến là ý thức tự phòng tránh của bản thân người lao động...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()