Tất cả chuyên mục

Từ Quy Nhơn, theo Quốc lộ 19 khoảng 40 cây số rồi rẽ vào thị trấn Phú Phong, qua cầu Kiên Mỹ là bạn đã đến quê hương Tây Sơn tam kiệt, thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định...
![]() |
Bảo tàng Quang Trung là một trong những điểm du lịch tâm linh của tỉnh Bình Định. |
Cầu Kiên Mỹ được đặt theo tên làng vốn là đất thuộc ấp Kiên Thành, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn). Kiên Mỹ là nơi sinh trưởng của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Có tài liệu nói rằng, Kiên Mỹ được hình thành bắt đầu từ công cuộc khẩn hoang của Hồ Phi Phúc (thân phụ của 3 anh em Nhà Tây Sơn) vào thế kỷ XVIII. Điều ấy không biết có đúng không, nhưng Kiên Mỹ từ xa xưa đã là một vùng đất màu mỡ, tươi tốt, ở vào vị trí chuyển tiếp giữa hai vùng miền núi và đồng bằng, lại có sông Kôn huyết mạch của Bình Định bồi đắp phù sa. Dân gian còn lưu truyền rằng, khi rời sang Kiên Mỹ, ông bà Hồ Phi Phúc đã khai khẩn được mảnh đất rộng 3 mẫu 2 sào làm ruộng cấy. Trên đất ấy, cụ thân sinh ra Nguyễn Huệ đã cho dựng một ngôi nhà gỗ khang trang, có cây me xanh tốt, có giếng nước trong. Đây là ngôi nhà đã lưu giữ tuổi thơ của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; và cũng là nơi phát tích cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.
![]() |
Chính điện thờ Tây Sơn Tam kiệt. |
Trải qua những biến thiên của lịch sử, ngôi nhà xưa đã không còn. Nhân dân địa phương yêu kính đức độ và tài năng của các bậc tiền nhân đã dựng đền thờ trên nền đất cũ để giữ gìn hình ảnh đẹp đẽ về những người con yêu dấu của quê hương mình. Ấy là vào năm 1827, tức là 25 năm sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ. Nhân dân dựng đền thờ ở vườn cũ nhưng chỉ dám đặt tên là “Đền Kiên Mỹ” để tránh sự trả thù của nhà Nguyễn ở Phú Xuân. Tương truyền, đền Kiên Mỹ quay mặt về hướng Nam, cổng xây bằng đá ong, hai bên có hai cột trụ, tiền đường và hậu tẩm có khung gỗ. Vào cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, dân làng sắm lễ ra đền cúng giỗ “Ba ngài Tây Sơn” nhưng để che mắt chính quyền phong kiến nên gọi là Tết cơm mới và chỉ “mật cáo” chứ không có văn tế. Lời “mật cáo” được truyền miệng từ đời này sang đời khác. 150 năm sau, ngôi đền được trùng tu tôn tạo thành Bảo tàng Quang Trung hiện nay.
Đến thăm Bảo tàng Quang Trung, du khách theo con đường mang tên Ngọc Hân - Nguyễn Huệ dẫn lối vào một không gian thanh tịnh, rợp mát bóng cây cổ thụ. Lối vào có hai tượng voi chiến đứng hai bên cột trụ dẫn lên theo 9 bậc. Trước đền thờ, có bức tượng Hoàng đế Quang Trung uy nghi. Chính điện gồm ba gian; gian giữa thờ Quang Trung - Nguyễn Huệ, gian bên trái thờ Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc, gian bên phải thờ Đông Định vương Nguyễn Lữ. Hai đầu hồi đặt ban thờ các tướng nhà Tây Sơn như: Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm…
![]() |
Một số hiện vật về phong trào Tây Sơn được lưu trữ tại Bảo tàng... |
Bảo tàng Quang Trung hiện còn trưng bày những di vật, vũ khí gợi nhớ về chiến tích lừng lẫy của phong trào khởi nghĩa nông dân Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Bên ngoài đền, vẫn còn giếng nước ghép bằng đá ong do thân phụ Tây Sơn tam kiệt cho đào để lấy nước sinh hoạt. Một số nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng, giá trị lớn nhất của đền thờ Tây Sơn chưa hẳn đã nằm ở phương diện kiến trúc mà là ở ý nghĩa lịch sử, tâm linh; bởi chính điện được xây trên không gian nền nhà cũ của song thân ba anh em Tây Sơn. Không gian ấy gợi nhớ ký ức hào hùng của dân tộc...
Hiện nay, nhân dân địa phương vẫn giữ nếp mở Lễ hội Tây Sơn ở Bảo tàng Quang Trung mỗi năm 2 lần vào cuối tháng 11 và mùng 5 tháng Giêng âm lịch. Đó là hai ngày trọng đại nhất của nhà Tây Sơn: Ngày Quang Trung đăng quang trên núi Bân và ngày Chiến thắng Đống Đa, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược. Lễ hội Tây Sơn đã dần trở thành “thương hiệu” du lịch độc đáo của vùng đất thượng võ này…
Hải Dương
Ý kiến ()