Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 09:42 (GMT +7)
Bảo tàng số về cuộc kháng chiến chống Pháp
Thứ 3, 26/11/2024 | 15:32:08 [GMT +7] A A
Bảo tàng số về cuộc kháng chiến chống Pháp là một trong những đề tài được đánh giá cao tại Hội thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX, năm 2024 vừa qua, bởi tính mới, tính sáng tạo về KHCN và ý nghĩa giáo dục đặc biệt của mô hình. Đây là sản phẩm trí tuệ của học sinh Nguyễn Bùi Thảo Nhi, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Hạ Long, được đánh giá cao về tính sáng tạo cũng như khả năng ứng dụng KHCN vào học tập.
Bảo tàng số là loại hình bảo tàng được số hoá, ghi lại bằng kĩ thuật số và được tiếp cận thông qua thông tin điện tử. Khi được xây dựng và sử dụng bảo tàng số trong học tập, người học có thể phát triển cả về năng lực và phẩm chất. Đó là năng lực tìm hiểu lịch sử, nhận thức và tư duy lịch sử, vận dụng kiến thức và các kĩ năng đã học vào cuộc sống; là phẩm chất chăm chỉ, tích cực tìm tòi, khám phá lịch sử, trung thực, trách nhiệm và phẩm chất yêu nước, biết thể hiện tinh thần dân tộc, tự hào về những truyền thông quý báu của dân tộc…
Học sinh Nguyễn Bùi Thảo Nhi chia sẻ: Trong tiến trình lịch sử dân tộc, giai đoạn lịch sử Việt Nam từ cuối năm 1946 đến 1954 là giai đoạn lịch sử hào hùng, nhiều tư liệu, hiện vật quý giá nhưng trong SGK và trên thực tế, học sinh chúng em được tiếp cận rất ít nên khó hệ thống được cả một chặng đường lịch sử. Thực tế trên đã thôi thúc bản thân em học hỏi, tìm tòi và thực hiện sản phẩm: Bảo tàng số về cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) được thiết kế trên ứng dụng Artsteps.
Để triển khai đề tài này, học sinh Nguyễn Bùi Thảo Nhi đã sử dụng phần mềm ứng dụng Artsteps; dày công sưu tầm các tranh ảnh, tư liệu, hiện vật của cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) trên internet, thực tế Bảo tàng thật, các nền tảng mạng xã hội để làm "nguyên liệu" thiết kế mô hình.
Bảo tàng số về cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954) được thiết kế trên ứng dụng Artsteps ra đời nhằm mục đích cung cấp những tư liệu, hiện vật trong bảo tàng - bằng chứng sinh động của lịch sử giúp các em học sinh biết cách lĩnh hội kiến thức một cách chủ động, sáng tạo.
Ngoài ra, các tư liệu tại bảo tàng còn được coi như một nguồn kiến thức mới bổ trợ cho khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa không đề cập đến. Khi được quan sát các dụng cụ sinh hoạt cho đến những vũ khí, hiện vật trong bảo tàng số giúp các em học sinh có cái nhìn cụ thể, sinh động về một quá trình lịch sử đã diễn ra, biết thêm những điều mới mẻ, thú vị. Đồng thời, học tập qua mô hình thực tế ảo cũng giúp học sinh được bổ sung, làm sâu sắc hơn, phong phú hơn tri thức về lịch sử.
Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Hạ Long Bùi Hoàng Anh cho biết: Mô hình sản phẩm này còn có thể ứng dụng hiệu quả vào các bộ môn khác như: Ngữ văn, Âm nhạc, Mĩ thuật… hay chính giai đoạn lịch sử địa phương Quảng Ninh trong kháng chiến chống Pháp và trong việc tuyên truyền, kỉ niệm các chiến thắng lớn, tiêu biểu như Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1954. Đây cũng là một nguồn tài liệu học tập giúp học sinh có thể tự học tập và nghiên cứu ngoài giờ học trên lớp.
Từ mô hình trên, học sinh trường THCS Lý Tự Trọng nói riêng và TP Hạ Long nói chung cũng có thể học tập, nhân rộng và sáng tạo ra nhiều mô hình Bảo tàng số với các đề tài khác nhau nhằm phục vụ nhu cầu học tập của bản thân.
Tại Hội thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Quảng Ninh lần thứ IX, năm 2024 được tổ chức vừa qua, đề tài Bảo tàng số về cuộc kháng chiến chống Pháp được đánh giá cao về tính sáng tạo. Mô hình đã được xây dựng và tồn tại dưới dạng số hoá, vì vậy thể hiện tính kết nối cao và khả năng truyền gửi, tham quan từ nhiều khu vực khác nhau bằng phương tiện internet hay phần mềm; đồng thời giúp các em học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi. Bảo tàng số dựa hoàn toàn theo mô phỏng bảo tàng thật; tuy nhiên có thể giúp mở rộng, hiện đại hoá và dễ dàng thay đổi cách trưng bày, phổ biến thông tin như ở bảo tàng thật một cách cập nhật, nhanh chóng và đầy đủ hơn.
Việc sử dụng bảo tàng số còn phần nào bồi dưỡng và luyện tập cho các em học sinh những kỹ năng trong quá trình học tập: Kỹ năng quan sát, tiếp nhận hay chọn lọc thông tin; kỹ năng khai thác kiến thức từ phương tiện trực quan; sử dụng các phần mềm ứng dụng và kết nối mạng internet.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()