Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 10/12/2024 21:15 (GMT +7)
Cân não lựa chọn phương án xét tuyển đại học năm 2025
Thứ 2, 25/11/2024 | 14:43:47 [GMT +7] A A
Những thay đổi trong đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khiến học sinh gặp khó trong việc lựa chọn tổ hợp, phương án xét tuyển đại học.
Năm 2025, lứa học sinh học theo chương trình mới sẽ thi tốt nghiệp THPT. Để phù hợp với chương trình, kỳ thi có nhiều thay đổi, trong đó, thí sinh sẽ thi 4 môn gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn, thay vì 6 môn như trước đây.
Em Nguyễn Hoàng Tú Trinh - học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) - cảm thấy lo lắng với việc lựa chọn tổ hợp môn thi tốt nghiệp THPT.
"Với các bạn đã xác định được tổ hợp xét tuyển, các bạn ấy có thể tập trung ôn tập. Nhưng những bạn chưa chốt được ngành, trường đại học mong muốn thì sẽ rất khó. Do đó, hiện tại, em đang cố gắng học đều các môn ở mức tốt để có cho mình nhiều cơ hội khi lựa chọn môn thi" - Tú Trinh nói.
Trái ngược với Tú Trinh, em Lê Thị Sang Sang - học sinh lớp 12, Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) không quá lo lắng về tổ hợp xét tuyển bởi bản thân em đã xác định sẽ xét tuyển khối A1 (Toán, Lý, Anh) từ sớm. Thời điểm này, em đang tập trung ôn tập thay vì đắn đo việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển.
Nhưng điều khiến em lo lắng hơn cả lại là việc thay đổi tỉ lệ chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức của các trường đại học.
Em chia sẻ, bản thân chuẩn bị khá kĩ cho các phương thức xét tuyển sớm, bao gồm cả xét học bạ, xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ và xét bằng điểm thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên, mới đây, Bộ GDĐT yêu cầu các trường dành nhiều hơn chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và điều này khiến em lo lắng.
"Em phải suy nghĩ lại, tập trung ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp nhiều hơn" - Sang Sang nói và cho biết, gần như tất cả các phương thức xét tuyển đều được em lưu ý để tăng khả năng cạnh tranh của mình.
Tập trung ôn luyện nhiều kỳ thi cùng lúc - đây cũng là chiến lược mà Nguyễn Thị Linh Đan - học sinh lớp 12, Trường THPT Kim Liên (Nghệ An) đưa ra để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành sư phạm tiếng Anh của Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Theo dõi đề án tuyển sinh của trường các năm trước, Linh Đan nhận thấy, với phương thức xét tuyển sớm, học sinh trường chuyên sẽ có lợi thế hơn em khi được thêm điểm cộng. Còn nếu xét tuyển kết hợp bằng chứng chỉ ngoại ngữ, thí sinh cần có IELTS 8.0 mới chắc suất trúng tuyển. "Điều này gần như là không thể với em" - nữ sinh nói.
Còn với phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực và thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn năm ngoái đều rất cao. Chính vì vậy, Linh Đan không khỏi lo lắng, áp lực.
"Hiện tại em đang tập trung ôn thi IELTS và chưa hoàn toàn tập trung hết sức cho ôn thi tốt nghiệp. Em khá bất an, sợ rằng về sau em bị hổng nhiều kiến thức quan trọng" - em nói.
Ngoài những khó khăn kể trên, cả 3 nữ sinh đều bày tỏ, các em là lứa học sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới với dạng đề, kiến thức thay đổi rất nhiều... Đề thi mới không chỉ tập trung vào kiến thức lớp 12 mà còn có cả kiến thức lớp 10, 11 - dù không nhiều. Cùng với đó, hệ thống tài liệu ôn tập, sách tham khảo cho chương trình mới còn ít, chưa phong phú gây khó khăn trong quá trình học.
Đề thi cũng có thêm nhiều yếu tố thực tế như ở môn Toán, Vật lý, Hóa học; đề thi môn Ngữ văn sử dụng ngữ liệu văn bản ngoài sách giáo khoa; hay cách tính điểm ở phần trắc nghiệm đúng sai (thí sinh trả lời đúng toàn bộ 4 ý mới được 1 điểm)... khiến học sinh đôi phần hoang mang, lo lắng cho kỳ thi quan trọng sắp tới. Đây chính là thách thức, khó khăn lớn trong quá trình ôn luyện.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()