Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 28/11/2024 19:52 (GMT +7)
Bão tiếp bão
Thứ 5, 08/08/2013 | 05:55:30 [GMT +7] A A
Công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 5 chưa xong, nhiều phần việc còn dở dang, thì Quảng Ninh lại phải tiếp tục đối phó với cơn bão số 6 - theo dự báo ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh. Có lẽ ít khi Quảng Ninh phải căng mình đối phó với thiên tai bão lũ như thời gian này. Sự khắc nghiệt, diễn biến phức tạp của thời tiết càng đặt ra cho các cấp, các ngành, địa phương và người dân nhiệm vụ phải luôn luôn cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng chống, đối phó với mưa bão, thiên tai...
Cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh ngày 3-8, mặc dù cấp gió chưa phải là mạnh, lượng mưa cũng không lớn lắm, nhưng cũng đã gây ra những thiệt hại đáng kể, làm 3 người bị thương nhẹ; gãy 2 cột ăng ten viễn thông; đổ 6 nhà cấp 4; tốc mái hơn 400 nhà cấp 4 và gần 800 công trình phụ, nhà tạm; đổ 14 cột điện hạ thế, vỡ 5 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản; sạt lở 120m đường giao thông và 10m kè; một số diện tích lúa và hoa màu bị phá hỏng; nhiều nhà dân bị sạt lở đất; không ít cây xanh bị đổ, gãy cành... Tổng thiệt hại do cơn bão gây ra ước khoảng 12 tỷ đồng...
Cơn bão số 6 được dự báo di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp, có sức gió mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11, kèm theo mưa vừa, mưa to, có nơi rất to, ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn các tỉnh phía Đông Bắc Bộ trong các ngày 7 và 8-8. Ngay trong ngày 7-8, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to; gió cũng đã mạnh dần lên.
Bởi vậy, với tinh thần chủ động đối phó với cơn bão, các cấp, các ngành, địa phương và người dân, đặc biệt là lực lượng chức năng cần thực hiện nghiêm túc các nội dung trong Công điện của UBND tỉnh; chỉ đạo, tổ chức tốt việc phòng chống bão ở các địa bàn, trong các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, công trường, mỏ than. Cùng với đó phải đặc biệt chú trọng đến các khu vực, công trình, nhà cửa vừa bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 5. Tổ chức di dời, sơ tán người dân ở các khu vực bị sạt lở đất, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn. Trong lúc bão đổ bộ vào, ở các địa bàn ven biển cần đề phòng nước biển dâng, kết hợp với thuỷ triều cao 3-4m. Sẵn sàng các phương án chống úng ngập, tiêu thoát nước cho các khu vực trũng, hồ đập. Kiểm tra, rà soát để kêu gọi hết số tàu thuyền, người dân còn hoạt động trong vùng nguy hiểm trên biển, trên vịnh về nơi tránh trú bão an toàn...
Từ thực tế diễn biến của các cơn bão số 5 và số 6, cho thấy thiên tai, bão lũ có thể ập đến bất cứ lúc nào, không còn theo quy luật như trước, vì vậy những tồn tại, bất cập trong công tác phòng chống bão cần được kịp thời khắc phục khẩn trương; những công trình có ý nghĩa bảo vệ tính mạng người dân, sản xuất như đê điều, hồ đập, mương máng cần được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. Các công trình, khu vực xung yếu phải được quan tâm đầu tư thích đáng, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu sử dụng lâu dài.
Chủ động và triển khai tốt các biện pháp, phương án phòng chống bão, chúng ta sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão gây ra...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()