Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 00:32 (GMT +7)
Bảo tồn rừng trâm cổ Minh Châu
Chủ nhật, 02/06/2024 | 14:51:58 [GMT +7] A A
Là một trong những cảnh quan đặc sắc, mang trong mình nhiều giá trị về đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử, rừng trâm cổ thuộc xã Minh Châu, huyện Vân Đồn thuộc khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Bái Tử Long. Mới đây, khi 150 cây trâm cổ thuộc rừng trâm Minh Châu được công nhận là quần thể cây di sản Việt Nam, công tác bảo tồn lại càng được quan tâm đặc biệt.
Rừng trâm trên xã đảo Minh Châu là rừng trâm mốc cổ đại, có diện tích 13ha, trải dài theo hình vòng cung và phủ gần kín cồn cát mịn, bằng phẳng cạnh bãi biển Chương Nẹp. Cây trâm mốc trong rừng còn gọi là vối rừng, cây tâm, là loài cây thường xanh, chiều cao có thể đạt 30m và có thể sống hơn 200 năm. Cây có tán lá dày cho bóng râm và được trồng để làm cảnh. Tuy chiều cao trung bình của rừng trâm Minh Châu chỉ khoảng 10m, song nhờ mật độ dày, ước tính từ 900-1.500 cây/ha, khu rừng trâm cổ thụ được ví như vị thần hộ mệnh, sừng sững như bức tường xanh chắn cát di chuyển, chắn gió và che chở xóm làng, bảo vệ bờ biển trước những trận bão và sóng biển.
Rừng trâm cổ đã chứng kiến và gắn bó suốt chiều dài lịch sử phát triển cư ngụ của người dân trên xã đảo Minh Châu. Bên cạnh tác dụng phòng hộ, rừng trâm còn cho gỗ, vỏ cây cung cấp nguyên liệu để làm thuốc nhuộm, quả trâm vừa là thức ăn của con người vừa là nguồn sống của nhiều loài chim, thú. Theo lời các cụ cao niên, rừng trâm đã cứu nhiều người dân Minh Châu qua khỏi nạn đói năm 1945. Dưới thảm rừng trâm hiện nay có nhiều các loài cây quý hiếm dùng để làm thuốc như cây bách bệnh, tắc kè đá, trầu biển hay cây cảnh quý như tùng la hán.
Nhận thấy những giá trị về đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của quần thể cây trâm mốc cổ, năm 2024, BQL Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ và được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 150 cây trâm thuộc rừng trâm tại xã Minh Châu là Quần thể cây di sản Việt Nam. Các cây trâm cổ hiện đã được đánh số, xác định vị trí và bảo vệ nghiêm ngặt.
Ông Khúc Thành Liêm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Châu chia sẻ: Khi lập hồ sơ di sản cho quần thể trâm cổ tại Minh Châu, Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã tuyên truyền cho nhân dân về tầm quan trọng, giá trị lịch sử, sự độc đáo của rừng trâm để người dân biết đây là sản phẩm quý của địa phương, sẽ thu hút được du khách vừa tham quan khu vực bãi biển, vừa tham quan rừng trâm. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân. Người dân hiểu rằng, không vào rừng để phá rừng, không vào rừng để xả thải, không mang lửa vào rừng để gây ra cháy rừng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ khu vực này để kịp thời ngăn chặn những hành vi xâm hại đến rừng trâm cổ.
Cũng trong năm 2024, từ những cây trâm cổ tại Minh Châu, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã nhân giống thành công hơn 2.000 cây trâm mốc để phục vụ công tác lưu giữ bảo tồn nguồn gen, chia sẻ nguồn gen với các đơn vị có chức năng tương đồng về bảo tồn đa dạng sinh học.
Trước đó, năm 2022, để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị rừng trâm cổ tại xã Minh Châu, Vườn quốc gia Bái Tử Long đã có văn bản đề xuất tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh chuyển quyền quản lý đất rừng trâm cổ từ UBND xã Minh Châu, huyện Vân Đồn sang cho Vườn quốc gia Bái Tử Long và được UBND tỉnh chấp thuận. Hiện Vườn quốc gia Bái Tử Long đang phối hợp chặt chẽ với UBND huyện Vân Đồn, Sở Tài nguyên và Môi trường để đẩy nhanh thủ tục, tiến độ chuyển giao diện tích đất rừng trâm.
Khi việc chuyển giao quyền quản lý được hoàn thành, Vườn quốc gia Bái Tử Long sẽ có đủ cơ sở, điều kiện để xây dựng các giải pháp nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc của rừng trâm cổ để tạo ra các sản phẩm, tour trải nghiệm du lịch sinh thái đặc sắc, hấp dẫn, phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học theo hướng bền vững, lâu dài.
Đào Linh
Liên kết website
Ý kiến ()