Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 12:51 (GMT +7)
Huyện Tiên Yên: Gìn giữ nét đẹp văn hoá truyền thống
Thứ 6, 17/02/2017 | 10:10:03 [GMT +7] A A
Để phát huy giá trị các di sản văn hoá, đồng thời tạo cơ hội cho người dân tiếp cận, tiếp thu tinh hoa văn hoá, những năm qua, huyện Tiên Yên đã có nhiều cách làm hay nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những lễ hội đặc sắc của người dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, đến thời điểm này các lễ hội đầu năm mới của bà con dân tộc thiểu số Tày, Dao, Sán Chỉ... vẫn giữ được nét đẹp vốn có.
Người dân và thầy mo cùng xuống đồng trong ngày đầu năm mới tại Lễ hội Đình Đồng (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên). |
Đặc sắc lễ hội
Huyện Tiên Yên có nhiều lễ hội đặc sắc diễn ra vào dịp đầu năm mới, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân khu vực miền Đông. Những lễ hội của các dân tộc như Tày, Dao, Sán Chỉ... luôn có nét đặc sắc riêng, mang đến cho người dân sự khám phá mới. Ông Hoàng Mạnh Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi đã có các nghị quyết cụ thể để thực hiện việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá huyện Tiên Yên giai đoạn 2011-2015 và những năm tiếp theo. Các lễ hội đã được chú trọng và từng bước phục dựng theo đúng nguyên mẫu, đồng thời khuyến khích người dân đóng góp những hiểu biết của mình để từng bước chuẩn hoá lễ hội. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại, các lễ hội của bà con dân tộc: Dao, Tày, Sán Chỉ... trên địa bàn huyện đang từng bước được gìn giữ theo đúng nguyên bản”.
Tiêu biểu như lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ ở xã Đại Dực được mở vào ngày 13, 14 tháng Giêng hàng năm khi việc ruộng nương đã xong, tất cả các loài hoa mùa xuân đều khai mãn. Tuy chỉ có một ngày nhưng những người tham gia hội phải chuẩn bị từ trước cả tuần lễ cho mọi công việc thật chu đáo, không để xảy ra sai sót. Phụ nữ áo khăn phải chuốt nếp. Mái tóc chiều nào cũng phải gội bằng hai thứ lá “coóng cạy mộc” và “kệch tái thăng” cho thật thơm, thật óng. Đàn ông phải lo cất rượu thật ngon, lấy cật giang làm khuôn mũ rồi bọc vải chàm phẳng phiu. Chính hội là 13, song người ta thường lên đường từ một ngày trước đó và có thể rong ruổi qua ngày 14 tháng Giêng. Lễ cầu mùa mang đậm bản sắc của người Sán Chỉ ở xã Đại Dực ngoài việc liên quan đến tâm linh, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc, thông qua đây còn khích lệ tinh thần người dân tích cực sản xuất, đoàn kết làng bản để chống chọi lại thiên tai, địch hoạ, cùng nhau phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.
Hay như lễ hội văn hoá dân tộc Dao đã phục dựng được hầu hết những cái hay và tinh tuý. Các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của đồng bào chủ yếu ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm, tình bạn bè... đã được sưu tầm, nghiên cứu và phân tích khá đầy đủ. Theo đó, đầu năm 2013, CLB Nghệ thuật hát đối dân tộc Dao đã được thành lập tại các xã Đông Ngũ, Hải Lạng, Yên Than. Hoạt động của các CLB không chỉ nhằm giữ gìn, truyền dạy lại những làn điệu dân ca truyền thống của người Dao cho các thế hệ mai sau, mà còn góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cho người dân địa phương.
Cách làm bài bản
Để từng bước thực hiện việc bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể, thực hiện sự chỉ đạo của địa phương, những năm qua, huyện Tiên Yên đã thành lập được 9 CLB dân ca dân tộc thiểu số, quy tụ các nghệ nhân, những người tâm huyết với văn hoá dân tộc và lãnh đạo xã tham gia. Các CLB được huyện quan tâm đầu tư hỗ trợ về nhạc cụ, trang phục biểu diễn, đồng thời mời nghệ nhân mở được 22 lớp bồi dưỡng để nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, các CLB thường xuyên duy trì và hoạt động hiệu quả trong các buổi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ thôn, xã, các lễ hội truyền thống và tham gia một số chương trình của huyện, tỉnh tổ chức.
Cùng với đó, Tiên Yên còn phối hợp với Sở VH-TT tổ chức sưu tầm tư liệu và phục dựng thành công Lễ cầu mùa nguyên bản của dân tộc Sán Chỉ. Hàng năm, Tiên Yên đều mở các lớp năng khiếu hè cho học sinh, trong đó mở từ 3-5 lớp hát Then, hát Soóng Cọ, hát đối, đẩy gậy..., góp phần giữ gìn di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc thiểu số huyện nhà. Huyện cũng đã đầu tư khôi phục các lễ hội như: Lễ hội Lồng tồng của dân tộc Tày, lễ hội cấp sắc của đồng bào Dao, lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ, lễ hội đua thuyền truyền thống của xã Đồng Rui, lễ đại phan của dân tộc Sán Dìu... Trong lễ hội, phần nghi lễ gắn với các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc truyền thống của các dân tộc thiểu số như: Hát Soóng Cọ, hát Then, hát đối, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đi cà kheo...
Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã tới gia đình Nghệ nhân Ưu tú Lỷ Minh Sáng tại thôn Bình Sơn, xã Đại Dực, một trong những nghệ nhân đã có công lớn trong việc khôi phục lễ hội cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ. Sau câu chuyện xoay quanh những đặc sắc của lễ hội, ông Sáng cho chúng tôi xem trang phục làm chủ tế. Những nét hoa văn trên trang phục cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Ông Lỷ Minh Sáng cho biết: “Cái khó để duy trì những nét văn hoá đặc sắc của người dân tộc thiểu số đó là tìm được người kế thừa. Hiện nay, những người am hiểu về hồn cốt lễ hội do tuổi tác đang dần mất đi, còn người trẻ thì tiếp thu nhiều nguồn văn hoá mới, hiện đại nên không mặn mà. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có cơ chế động viên, khuyến khích để bảo tồn các lễ hội đặc sắc, không để mai một”...
Nguyễn Duy
Liên kết website
Ý kiến ()