Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:45 (GMT +7)
Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống người Sán Chay ở Ba Chẽ
Chủ nhật, 31/10/2021 | 15:32:17 [GMT +7] A A
Người Sán Chay ở Ba Chẽ không nhiều, tập trung đông nhất ở các xã Thanh Sơn, Đạp Thanh, Thanh Lâm và rải rác ở một số xã khác trên địa bàn huyện.
Trong đó, xã Thanh Sơn có đông người Sán Chay nhất, chiếm tới 57,66% dân số xã. Ông Lục Văn Bình, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch MTTQ xã Thanh Sơn là người Sán Chay và hiện được coi là người hiểu biết nhất về người Sán Chay ở Ba Chẽ.
Theo ông Bình thì dân tộc Sán Chay là theo cách gọi của Ba Chẽ, còn ở một số địa phương khác như Tiên Yên, Bình Liêu thì gọi là Sán Chỉ. Sở dĩ có cách gọi khác này, vì người Sán Chay ở Ba Chẽ và người Sán Chỉ ở các địa phương khác cơ bản giống nhau về phong tục tập quán, nhưng tiếng nói và cách ăn mặc khác nhau.
Cũng theo ông Bình thì người Sán Chay ở Ba Chẽ cũng hát Soóng Cọ, nhưng làn điệu và ngữ điệu khác với người Sán Chỉ ở Tiên Yên, Bình Liêu. Trước đây con trai, con gái Sán Chay gặp nhau đều hát, bên bìa rừng, bên dòng suối... cứ thấy vui là hát được. Thế nhưng kể từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, phong tục này đã bị mai một dần. Bây giờ hầu như chỉ người 40 tuổi trở lên mới biết hát. Phụ nữ Sán Chay chỉ những ngày lễ hội mới mặc quần áo của dân tộc mình, còn những ngày khác thì không.
Trước đây, ở các đám cưới của dân tộc Sán Chay, bà con đều hát giao duyên. Khi đoàn nhà trai mang lễ đến nhà gái, nhà gái cử người ra đón. Nhà trai hát đối trình bày công việc đến xin đón cô dâu. Nhà gái ra lời đố để nhà trai trả lời. Cuối cùng, nhà gái hát mời vào, nhà trai hát đối và đưa bánh dày nhỏ cho những người ra đón, nhà gái nhận lễ rồi hát đáp lại, khi ấy chú rể mới đón cô dâu về nhà chồng. Thế nhưng phong tục này cũng đã mai một dần, ngày nay hầu hết các gia đình Sán Chay ở Ba Chẽ đều tổ chức đám cưới cũng gần giống như người Kinh.
Nhằm khôi phục lại những giá trị văn hóa của người Sán Chay, dự kiến trung tuần tháng 11 tới đây, huyện Ba Chẽ sẽ tổ chức Lễ hội Thể thao - Văn hóa tại xã Thanh Sơn. Trong đó, phần lễ gồm lễ cúng tổ tiên, các vị thần theo theo phong tục của người Sán Chay để mong cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi. Phần hội thi hát Soóng cọ, thi đẩy gậy, kéo co, làm các món ẩm thực của dân tộc Sán Chay.
Theo anh Hà Ngọc Tùng, Trưởng Phòng VHTT huyện Ba Chẽ, thì Lễ hội nhằm khích lệ người dân phát huy bản sắc dân tộc mình, nhất là lớp trẻ thấy yêu hơn những gì mà ông cha đã để lại và bảo tồn một cách tốt nhất. Người dân được thể hiện những giá trị bản sắc của dân tộc mình tại lễ hội, sau đó họ sẽ tự giác thực hiện thường xuyên hơn trong cuộc sống hàng ngày. Trước đó, năm 2015, huyện Ba Chẽ cũng đã tổ chức 1 lớp truyền dạy hát Soóng cọ và năm 2017 là 1 lớp may trang phục truyền thống cho người Sán Chay trên địa bàn.
Những người cao tuổi dân tộc Sán Chay từ nhiều năm nay vẫn cố níu kéo các giá trị truyền thống dân tộc mình bằng nhiều cách. Bà Vi Thị Mai, nghệ nhân may trang phục truyền thống của người Sán Chay tại thôn Khe Lò, xã Thanh Sơn là người duy nhất đến thời điểm hiện tại còn giữ được nghề may trang phục truyền thống dân tộc Sán Chay ở huyện Ba Chẽ. Hồi nhỏ, bà Mai được xem bà và mẹ may thêu và được họ truyền nghề cho, vì vậy bà biết may thêu trang phục truyền thống từ năm 12 tuổi.
Trước đây, tất cả các công đoạn may trang phục Sán Chay đều làm thủ công rất mất thời gian, vì vậy bà Mai quyết định bán một con trâu để lấy tiền mua máy khâu. Và từ đó, bà gắn cuộc sống của mình với việc may vá quần áo và thêu hoa văn trên trang phục cho người Sán Chay trong xã, trong huyện. Công việc hàng ngày của bà Mai vẫn là làm ruộng, chỉ vào các ngày trước lễ tết, hay lễ hội ở huyện thì bà Mai mới bận rộn may mới, sửa chữa trang phục truyền thống cho bà con. Bà Mai biết may những bộ trang phục mặc thường ngày và quần áo cô dâu mặc trong ngày cưới.
Ngoài làm nghề, bà Mai còn rất chú trọng việc truyền nghề cho lớp trẻ trong thôn. Ai có nhu cầu học bà đều truyền dạy tận tình, với mong muốn lớp trẻ ngày càng có nhiều người biết may thêu các bộ trang phục truyền thống để bảo tồn văn hóa dân tộc mình, rồi tiếp tục truyền bá cho thế hệ mai sau.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()