Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 08:08 (GMT +7)
Những bài học về Bác Hồ là tư liệu sinh động của tôi
Thứ 6, 20/01/2023 | 10:27:05 [GMT +7] A A
Trong những năm dạy học tại Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ (nay là Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ), ông Lê Duy Thái, nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ thường xuyên khai thác những mẩu chuyện về Bác Hồ đưa vào những bài giảng để tăng thêm tính thuyết phục và sâu sắc. Tết đến, xuân về, nhớ lại những năm tháng đã qua, nhớ về lời dạy của Bác Hồ, lòng ông lại thêm rưng rưng xúc động. Hạ Long xuân Quý Mão trân trọng giới thiệu bài viết của ông về những kỷ niệm xưa.
Ông Nguyễn Ngọc Đàm, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh là người rất quan tâm đến việc dạy chính trị ở Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ. Ông rất quan tâm đến nội dung các bài giảng, nhất là các bài giảng của đội ngũ giảng viên trẻ. Thời điểm ấy, sau khi rời quân ngũ, chuyển đi học lý luận chính trị nâng cao tại Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, tôi được giao nhiệm vụ làm Trưởng Khoa Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, Trường Đảng Nguyễn Văn Cừ. Tôi được ông Đàm đến dự giờ nghe giảng.
Mấy ngày sau, ông gặp cán bộ giáo viên mới ra trường, trong đó có tôi. Lớp chúng tôi đa phần là bộ đội chuyển sang làm cán bộ giảng dạy. Ông Đàm kể cho chúng tôi nghe những chuyện vinh dự được gặp Bác, được tháp tùng Bác Hồ về thăm Quảng Ninh và được Người dạy bảo ân tình. Đó là những bài học đạo đức phong cách rất sâu sắc, suốt đời ông mãi mãi không quên. Ông Đàm kể và mong chúng tôi coi đó như những ví dụ sinh động cụ thể để vận dụng vào các bài giảng về Bác Hồ.
Ông Đàm kể, một lần Bác về làm việc với lãnh đạo tỉnh, Người gọi ông Đàm sang chơi. Ông Đàm diện bộ đồ đẹp nhất sang gặp Bác. Bác Hồ thân tình bảo: Tôi mời chú sang chơi tối với tôi chứ có phải lễ nghi trên dưới gì đâu mà ăn mặc sang trọng gò bó thế cho khổ. Lần sau, Bác về Quảng Ninh làm việc, nhớ lời nhắc nhở đó, ông Đàm ăn mặc giản dị. Bác lại nghiêm giọng: Đón Chủ tịch Nước mà Chủ tịch tỉnh ăn mặc xuềnh xoành thế này à? Đó là lời dạy của Bác về phong cách ứng xử phù hợp trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Rồi đến chuyện Bác Hồ thăm mỏ Đèo Nai, nắm tay từng công nhân. Bác bảo: Bàn tay công nhân lao động đào than làm ra ánh sáng. Tuy nhọ đen nhưng không bẩn. Điều đó cho thấy Bác Hồ quý trọng người lao động đến mức nào.
Lại có lần Người ra Hải Ninh, không đến nơi cán bộ chuẩn bị đón mà ra bãi biển Trà Cổ rồi nhắc nhở rằng đình chùa là văn hiến nước Việt tỏa sáng chốn biên cương phải nhớ giữ gìn. Bác Hồ đi thăm giáo dân. Có một cụ già tên là Thiềm lạy Bác. Bác cười nâng cụ dậy và nói: Cụ trường thọ thật quý. Tôi là em cụ. Em xin biếu anh tấm chăn để tuổi già đỡ lạnh. Cụ Thiềm và mọi người rưng rưng nước mắt.
Có lần Bác ra đảo Ti Tốp. Người cởi trần đi tắm biển. Mọi người ngơ ngác, Bác liền đọc câu ca dao: “Hơn nhau tấm áo manh quần/ Thả ra mình trần ai cũng như ai”. Tinh thần bình đẳng bác ái của Người thể hiện ở trong những việc làm bình dị ấy.
Đây là những bài học sâu sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bài học về người cán bộ là công bộc của dân, phải hiểu dân, gắn bó với dân, không được sống quan cách xa dân, phải trọng dân và bình đẳng với mọi người. Lối sống của Bác, cái tình của Bác ấm áp và sáng ngời tâm Phật như câu các phật tử thường truyền khẩu: "Cuộc đời sắc sắc không không/ Trăm năm còn lại tấm lòng với nhau”.
Kiểm lại quá trình hơn 20 năm học tập, nghiên cứu giảng dạy lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi luôn cố gắng sưu tầm những chất liệu thực tế cuộc sống để vận dụng vào bài giảng cho thêm phong phú sâu sắc, dễ nhớ, dễ làm nhất là những cán bộ cơ sở. Đó còn là những mẩu chuyện mà tôi đã chứng kiến. Như chuyện diễn ra vào năm 1970, tại chiến trường Quân khu 5, tướng Chu Huy Mân kể cho tôi nghe chuyện ông ra Bắc báo cáo với Bác Hồ về tình hình đấu tranh vũ trang mạnh mẽ trong khi mặt trận đấu tranh chính trị chưa tương xứng. Bác nghe xong, bảo tướng Chu Huy Mân hãy đứng co một chân lên rồi Người vào phòng làm việc. Lúc sau, Người ra hỏi chú có mỏi chân không và dạy rằng, nếu đấu tranh vũ trang mà chưa chú ý đúng mức đến đấu tranh chính trị, đến phong trào quần chúng thì chẳng khác gì đứng một chân. Phải luôn nhớ phương châm tác chiến hai chân. Mặt nào cũng phải mạnh. Từ đó tướng Chu Huy Mân có biệt danh Hai Mạnh.
Một lần, tôi dẫn đơn vị hành quân giữa trưa có dừng nghỉ tại một khu rừng để anh em cơm nước. Đồng chí Trần Kiên, Phó Tư lệnh Quân khu 5, xuống đột xuất và chất vấn tôi về lời Bác Hồ dạy về đường lối chiến tranh nhân dân. Tôi đọc một mạch lời Bác là toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh. Đồng chí Trần Kiên khen tôi rất thuộc bài nhưng lại chỉ tận tay là cắt rau cả gốc thế kia thì lấy đâu ra mà đánh lâu dài. Phải cho chiến sĩ bóc từng tàu để gốc và lá non lại cho cây còn phát triển. Nói xong, ông bảo tôi đi nhận mấy cánh lưới và dặn xuống suối đánh cá tuyệt đối không được dùng mìn hoặc lựu đạn đánh hủy diệt phải để chúng sinh sôi mới có cái mà đánh lâu dài. Như thế, mới hiểu sâu sắc lời Bác dạy. Đây là bài học nhớ đời với một cán bộ trẻ tuổi như tôi.
Những chuyện tôi chứng kiến hay tôi nghe kể giúp tôi thấm nhuần lời Bác Hồ dạy lý luận phải đi đôi với thực tiễn. Nói phải đi đôi với làm. Chân lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin không nằm trên sách vở mà ở nơi cuộc sống của nhân dân. Những gì đem lại niềm vui, đem lại cuộc sống ấm no, tự do bình đẳng hạnh phúc cho nhân dân thì đó là chân lý. Bác dạy học để làm người và đầu tiên là công việc đối với con người như trong bản di chúc.
Tôi hiểu rằng, Bác là tấm gương người cộng sản gần dân hiểu dân, cảm thông chia sẻ mọi hoàn cảnh mọi vui buồn của con người. Đúng như một thiền sư đã viết: Cụ Hồ là vị bồ tát thấu hiểu hoàn cảnh mọi chúng sinh. Người hiện thân phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi thân phận, nâng đỡ tinh thần họ, cứu họ khỏi khổ nạn. Bác Hồ là tinh hoa văn hóa dân tộc, thâu nạp mọi tinh hoa các tôn giáo và mọi nền văn hóa nhân loại.
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng ở Quảng Ninh, tham gia giảng dạy, góp phần nhỏ bé vào việc đào tạo hàng ngàn cán bộ cấp cơ sở cho tỉnh. Trong công tác, tôi luôn ghi tạc những điều mà ông Đàm cũng như các bậc cha chú đi trước kể về Bác Hồ cho tôi nghe, cố gắng học hỏi để vận dụng vào chuyên môn cũng như cuộc sống hàng ngày theo tư tưởng đạo đức phong cách của Bác. Tôi cũng sáng tác hàng trăm bài thơ, in nhiều bài thơ và tập thơ về Bác Hồ. Khi sáng tác văn chương tôi thấm nhuần tinh thần làm thơ của Bác: Trong thơ vừa có thép lại vừa tràn ngập ánh trăng.
Lê Duy Thái, nguyên Phó Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ
Liên kết website
Ý kiến ()