Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:20 (GMT +7)
Bảo tồn văn hóa người Dao qua Lễ hội Bàn Vương
Thứ 3, 26/04/2022 | 14:33:43 [GMT +7] A A
Lễ hội Bàn Vương, một lễ hội cổ truyền quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao và của huyện Ba Chẽ. Năm nay, lễ hội diễn ra vào đầu tháng 5/2022 với chủ đề “Tiếng gọi tổ tiên nơi cửa biển”, tái hiện hành trình “Vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp.
Lễ hội nhằm tưởng nhớ công ơn Bàn Vương - thủy tổ của người Dao đã đưa con cháu mình đi tìm vùng đất mới. Khác với người Dao ở các huyện thị, khác trong tỉnh thường chỉ sống ở trên đồi cao và thông thạo việc rừng, người Dao ở Ba Chẽ lại thông thạo việc sông nước và cuộc sống của họ bám theo con sông Ba Chẽ.
Hành trình “vượt biển” của cha ông khi xưa được tái hiện lại trên sông Ba Chẽ. Bắt đầu từ bến thuyền khu vực Miếu Ông thuộc thôn Cái Gian (xã Nam Sơn), đi theo đường sông đến miếu Bàn Vương tại thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn). Theo truyền thuyết người Dao có 12 họ và cùng di cư đến các vùng đất mới để tìm cuộc sống bình yên, ấm no và hạnh phúc. Năm nay, chương trình vượt biển Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng 19 con thuyền, nhưng có 12 thuyền rước tượng trưng cho 12 dòng họ người Dao.
Miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng người Dao được xây dựng năm 2020 tại thôn Sơn Hải theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Đây là những nội dung ban đầu của Đề án nhằm phục dựng và từng bước đáp ứng nhu cầu chiêm bái của cộng đồng người Dao trên địa bàn huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh. Tuy người Dao ở Ba Chẽ có tới 12 dòng họ, nhưng họ lại rất đoàn kết, do họ cùng thờ chung một thủy tổ Bàn Vương.
Tại miếu Bàn Vương và Nhà Truyền thống cộng đồng Dao sẽ diễn ra nhiều hoạt động như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, cùng với đó là các hoạt động thể thao như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi guốc mộc khổng lồ, đi cà kheo. Năm nay lễ hội còn tái hiện trò đi cầu khỉ, tưởng nhớ lại một thời gian khó. Khi chương trình xây dựng nông thôn mới chưa được đưa vào Ba Chẽ, thì nhiều thôn bản người dân sống cách sông suối, phải qua lại bởi những chiếc cầu khỉ. Ngày nay, không còn một thôn bản nào của Ba Chẽ còn phải dùng cầu khỉ, nhưng trò chơi vừa vui lại vừa nhắc nhở lớp trẻ nhớ đến một thời gian khó của cha ông mình. Du khách khi đến với lễ hội Bàn Vương năm nay còn được thưởng thức nhiều món ẩm thực mang nét đặc trưng của người Dao, hay được tham gia cùng bà con gói những chiếc bánh chưng dài, bánh coóc mò, rồi tự tay luộc và vớt những chiếc bánh xen lẫn mùi thơm của hương nếp được trồng tại các khu ruộng bậc thang của Ba Chẽ.
Ba Chẽ cũng là nơi người Dao giữ gìn và phát huy tốt các phong tục tập quán lâu đời của mình. Chỉ trong mấy năm qua, một số nghi lễ một thời tưởng như không còn nay đã được phục hồi, như múa rùa, nghi lễ nhảy lửa. Năm 2020, xã Đồn Đạc đã thành lập CLB Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán gồm có 14 thành viên, trong đó nghi lễ nhảy lửa được thể hiện chủ đạo.
Người Dao ở Ba Chẽ còn có nghi lễ múa ka dong, được thể hiện trong các lễ cấp sắc của người Dao. Xen lẫn trong màn múa là các hội thoại răn dạy con người, các bài học đạo đức, bài học ứng xử, kinh nghiệm trong lao động sản xuất và không quên thủy tổ Bàn Vương của mình.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()