Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 08:31 (GMT +7)
Kỷ niệm 17 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 (2005-2022) Bảo tồn “xanh” các di sản
Thứ 4, 23/11/2022 | 13:48:10 [GMT +7] A A
“Xanh hóa” đang là xu hướng để phát triển bền vững. Việc “xanh hóa” các di sản không chỉ mang hàm nghĩa bảo vệ môi trường mà còn giữ màu xanh của sức sống, bảo tồn và lan tỏa các giá trị quý giá của di sản.
Ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”. Qua đó, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh không ngừng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các di sản. Quảng Ninh sở hữu hệ thống di sản văn hóa phong phú và độc đáo với 635 di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 6 khu di tích quốc gia đặc biệt (Vịnh Hạ Long là di tích quốc gia đặc biệt, Di sản thiên nhiên thế giới). Quảng Ninh tự hào là một trong 11 tỉnh có di sản then Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; 7 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể đó, đến nay trên địa bàn tỉnh có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 38 Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được Chủ tịch nước phong tặng. Tỉnh hiện có 13 bảo vật quốc gia.
Các di tích, truyền thống văn hóa không chỉ khẳng định chiều dài lịch sử, chiều sâu văn hóa của dân tộc, mà còn thể hiện diện mạo giang sơn gấm vóc và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng của Quảng Ninh nói riêng, đất nước nói chung. Tuy nhiên, những di sản văn hóa đó không phải “nhất thành bất biến”, mà có thể bị thay đổi, tác động bởi các yếu tố khách quan và chủ quan. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường, cảnh quan tác động tiêu cực đến việc bảo tồn di sản và sự phát triển du lịch bền vững.
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa quý giá, tránh các tác động tiêu cực làm mai một, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định: “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh”. Và trong bốn nhiệm vụ trọng tâm có nhiệm vụ “Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh”. Do đó, để đưa văn hóa thật sự trở thành động lực, là nguồn lực chính của sự phát triển du lịch nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung, những năm qua tỉnh luôn quan tâm bố trí từ nguồn ngân sách và các nguồn xã hội hóa để đầu tư tôn tạo, tu bổ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Trong hai năm 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết các hoạt động văn hóa, lễ hội không được tổ chức, các di tích, thắng cảnh một thời gian dài không mở cửa đón khách. Tận dụng thời gian này, tỉnh và các địa phương đã đẩy mạnh đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng, nhằm tạo nên những điểm nhấn, sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đặc trưng cho Quảng Ninh khi hoạt động du lịch sôi động trở lại. Từ năm 2019 đến nay, 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp với tổng kinh phí 1.997 tỷ đồng từ nguồn lực nhà nước và nguồn xã hội hoá. Đặc biệt, trong năm qua, ngành Văn hóa đã tích cực xây dựng Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) trình UNESCO công nhận là di sản thế giới, cũng như tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Nhận diện giá trị, bảo tồn và phát huy Quần thể di tích Thương cảng Vân Đồn”.
Bên cạnh việc tôn tạo di tích, việc tổ chức các lễ hội độc đáo, hấp dẫn, mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc góp phần lan tỏa nhiều giá trị quý giá. Các lễ hội chùa Ngọa Vân, Yên Tử, đình Lục Nà, miếu Ông - miếu Bà, đình Làng Dạ, đình Đầm Hà... được tổ chức bài bản, thu hút đông du khách trong và ngoài tỉnh. Cùng với đó, công tác bảo tồn các bản văn hóa truyền thống thành “bảo tàng sống” phục vụ phát triển du lịch đã được lập quy hoạch và triển khai thực hiện, gồm: Bản dân tộc Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long); bản Lục Nà, bản Cáu dân tộc Tày, xã Lục Hồn và bản Nà Ếch người Sán Chay, xã Húc Động (huyện Bình Liêu); Làng truyền thống người Sán Dìu, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn). Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng bản Dao Thanh Y xã Bằng Cả trở thành một điểm du lịch văn hóa đặc sắc.
Để lan tỏa sức sống “xanh” cho các di sản văn hóa, ngành Văn hóa và Du lịch đã kết hợp, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; tiếp tục xây dựng mới, nâng cấp các điểm đến thành các khu du lịch tham quan nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí gắn kết các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội. Đồng thời, quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật quý của từng vùng để phục vụ nhu cầu tham quan du lịch của du khách; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch… Từ đó, góp phần duy trì và phát huy các giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa, tạo sức sống "xanh" lâu bền trong cộng đồng.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()