Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:01 (GMT +7)
Bảo vệ Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long
Thứ 5, 21/09/2023 | 09:33:43 [GMT +7] A A
Vịnh Hạ Long đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới (vào năm 1994 và 2000) bởi có địa chất - địa mạo độc đáo, hệ sinh thái đa dạng. Ngày 16/9 vừa qua, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận trở thành Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh, thành phố đầu tiên ở Việt Nam. Để “báu vật” ấy của Quảng Ninh luôn còn mãi, công tác bảo vệ môi trường được tỉnh quan tâm, xác định đó phải là một hành trình dài với nhiều nỗ lực bền bỉ.
Trong định hướng phát triển KT-XH của tỉnh những năm qua, du lịch Vịnh Hạ Long luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những sản phẩm thế mạnh chủ lực cho nền kinh tế hiện đại của Quảng Ninh. Hằng năm, khu vực này đón hơn 4 triệu lượt khách, đóng góp 1/3 vào doanh thu du lịch của địa phương. Nhờ đó, người dân có nhiều cơ hội việc làm, các ngành dịch vụ vận tải, logistics và du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ... Tuy nhiên, đối với công tác bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường tự nhiên vùng di sản, nhiều thách thức đã và đang được đặt ra từ ảnh hưởng mà hoạt động kinh tế - xã hội gây ra.
Với vai trò của mình, từ nhiều năm qua, ngành TN&MT đã chủ động tham mưu cho tỉnh, phối hợp cùng các ban, ngành, cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đồng bộ để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị to lớn của di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long. Trong đó có việc nhanh chóng khảo sát, đánh giá chính xác, đầy đủ những áp lực đang tác động lên cảnh quan, môi trường, đa dạng sinh học khu vực vịnh. Có thể kể đến những áp lực tại chỗ như hoạt động giao thông, cảng biển, nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản; các hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, giao thông, công nghiệp, khai khoáng, dịch vụ và sinh hoạt khi ven bờ Vịnh đều là những đô thị lớn như Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên...
Trên cơ sở đó, những năm qua, tỉnh đã có những chỉ đạo đầy kiên quyết, hướng tới giá trị bền vững lâu dài, như: Nghiêm cấm chuyển tải clinker, xi măng... trên vịnh; di chuyển toàn bộ các hoạt động bốc rót than gây ảnh hưởng môi trường biển ra khu vực phù hợp; không quy hoạch, đầu tư xây mới, dừng các dự án đầu tư nâng công suất các nhà máy xi măng, nhiệt điện ở khu vực lân cận Vịnh Hạ Long... Nhằm hạn chế những tác động của du lịch ảnh hưởng đến di sản, Quảng Ninh công bố 4 vùng được phép tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí trên Vịnh Hạ Long gồm: Khu vực hang Luồn, làng chài Cửa Vạn, hồ Động Tiên - hang Trinh Nữ và khu vực Cống Đỏ. Qua đó, các sản phẩm dịch vụ, du lịch dưới nước như chèo thuyền kayak, đò tay... sẽ đi vào nền nếp hơn, đảm bảo các phương án về an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
Đồng thời, tỉnh quan tâm di dời hộ ngư dân đang sinh sống trên Vịnh Hạ Long lên bờ, bố trí nơi tái định cư tập trung thuận lợi; phát động tổng lực xoá phao xốp không đúng quy định trong nuôi trồng thuỷ sản... Đi cùng với đó là đẩy mạnh triển khai công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường tới nhân dân và du khách; phát động các phong trào cộng đồng cùng tham gia thu gom, phân loại, xử lý các loại chất thải, rác thải theo đúng quy định. Đa số doanh nghiệp, các đơn vị lữ hành, chủ tàu du lịch, người dân và du khách đều rất ủng hộ, tự nguyện kí bản cam kết không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng 1 lần trong hoạt động dịch vụ du lịch trên vịnh...
Sở TN&MT và các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh cũng tích cực phối hợp để nhận diện những tác động tiêu cực của môi trường tự nhiên, thời tiết, thay đổi về địa chất... có thể ảnh hưởng đến một số đảo đá trên Vịnh Hạ Long. Trong đó, theo ghi nhận thời gian qua đã có hiện tượng sạt trượt tại một số đảo đá vôi, tuy mức độ không lớn nhưng đây là lời cảnh báo sớm về việc cần thiết vào cuộc để giữ gìn cảnh quan của di sản. Tiêu biểu như hiện nay, tỉnh đang tập trung nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái (Vịnh Hạ Long) do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) là đơn vị chủ trì. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để đưa ra những giải pháp bảo vệ hiệu quả, lâu dài các đảo đá trên Vịnh Hạ Long.
Với các giải pháp bảo vệ môi trường được thực thi một cách đồng bộ, hiệu quả, tin tưởng rằng di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy giá trị tốt hơn nữa. Qua đó cũng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đúng với định hướng mục tiêu phát triển kinh tế từ "nâu" sang "xanh" của Quảng Ninh.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()