Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 21:24 (GMT +7)
Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều
Thứ 5, 21/04/2022 | 10:04:05 [GMT +7] A A
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2022, thời tiết tiếp tục có những diễn biến khó lường, khả năng có nhiều bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ… Để chủ động phòng chống thiên tai, hạn chế thiệt hại về người và tài sản đến mức thấp nhất, Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó tăng cường công tác đảm bảo an toàn đê điều.
Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, những năm qua, tỉnh quan tâm chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước, đầu tư tu bổ, sửa chữa hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2019-2021, bằng nguồn vốn của trung ương và của tỉnh, 3 tuyến đê xung yếu của tỉnh là Hà Nam (TX Quảng Yên), Hồng Phong (TX Đông Triều) và Đồng Rui (huyện Tiên Yên) với tổng chiều dài 55km đã được đầu tư sửa chữa kiên cố hóa.
Cùng với đó, tỉnh xây dựng nhiều công trình phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; lắp đặt hệ thống trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương để quan trắc, cảnh báo mưa lũ sớm; hoàn thành phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn, làm cơ sở để các địa phương, đơn vị thực hiện các giải pháp trước mùa mưa bão…
Theo Sở NN&PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có gần 400km đê các loại; trong đó có 1 tuyến đê cấp III dài 33,6km, 20 tuyến đê cấp IV dài hơn 133,8km, 111 tuyến đê cấp V dài hơn 230km. Hiện một số tuyến đê xung yếu, như Hà Nam, Đồng Rui, Hồng Phong có thể chống chịu được gió bão cấp 9-10; hầu hết các tuyến đê còn lại chỉ chịu được bão dưới cấp 8.
Do hạn chế về kinh phí nên khó đầu tư đồng bộ cả tuyến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân. Điển hình tại TX Quảng Yên, hiện một số vị trí trên tuyến đê qua địa bàn xã Hiệp Hoà xuống cấp chưa được tu sửa; từ xã Sông Khoai qua các xã Hiệp Hòa, Yên Giang, nhiều đoạn mặt đê thấp, một số vị trí thân đê đất thiếu độ kết dính, do đó khi xảy ra mưa bão dễ bị rửa trôi, sụt lún, tiềm ẩn nguy cơ cao vỡ đê.
Tại TX Đông Triều hiện có hơn 46km đê chạy dọc sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc, một số vị trí đê xuống cấp, nhất là tại khu vực các thôn Đông Mai, Vận Động (xã Nguyễn Huệ), nguy cơ đe dọa đến cuộc sống của người dân mùa mưa bão.
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bên cạnh xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, bão lũ, tỉnh tiếp tục chỉ đạo đầu tư kinh phí để cứng hoá đê điều, bảo vệ các tuyến đê xung yếu. Đặc biệt mới đây, UBND tỉnh ban hành văn bản số 2083 (ngày 4/4/2022) về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn công trình thuỷ lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống thiên tai năm 2022 trên địa bàn. Tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường thông tin tới người dân về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm phòng tránh, ứng phó và giảm thiểu thiệt hại mưa bão. Trong đó, đặc biệt quan tâm tới cộng đồng dân cư sinh sống ven đê, vùng hạ du các đập, hồ chứa; đồng thời vận động người dân tham gia bảo vệ công trình đê điều, thuỷ lợi.
Cùng với đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh hoàn thành xây dựng, tu bổ, sửa chữa công trình đê điều, thuỷ lợi, đảm bảo kịp thời đưa công trình vào chống lũ, bão năm nay. Các địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước về đê điều, công trình thuỷ lợi; có các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, thuỷ lợi, nhất là các vị trí xung yếu, để kịp thời khắc phục; xây dựng các phương án hộ đê tại các điểm xung yếu và phương án hộ đê toàn tuyến. Đồng thời, rà soát, đánh giá chất lượng các cống dưới đê, phát hiện hư hỏng của cống để xử lý kịp thời…
Đặc biệt, các phương án phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất về tài sản khi xảy ra thiên tai theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ” sát với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương với tính khả thi cao.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()