Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 15:49 (GMT +7)
Tái chế, tái sử dụng chất thải
Thứ 3, 26/04/2022 | 07:00:09 [GMT +7] A A
Một trong những giải pháp bảo vệ môi trường đang được tỉnh chú trọng thực hiện là tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải. Giải pháp này nhận được sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Mỗi năm, tổng lượng đất đá bóc trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng (VLXD) trên địc bàn tỉnh hơn 400 triệu m3; khối lượng chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh gần 49.000 tấn; tro xỉ phát sinh từ các cơ sở sản xuất nhiệt điện khoảng 20 triệu tấn; chất thải trong hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm phát sinh khoảng 650 tấn/ngày đêm. Để tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải, tỉnh đã có nhiều giải pháp, phê duyệt một số đề án liên quan.
Tỉnh đã ban hành kế hoạch về chương trình phát triển gạch không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các sở, ngành đã triển khai, hướng dẫn các nhà máy nhiệt điện trong công tác quy hoạch bãi tro, xỉ thải, lập các dự án sản xuất VLXD của đơn vị; nghiên cứu các giải pháp tái sử dụng chất thải rắn xây dựng, giảm thiểu rác thải rắn trên địa bàn.
Năm 2021, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì triển khai: Dự án điều tra, đánh giá tiềm năng sử dụng đất đá thải (ngành Than), tro xỉ thải (ngành nhiệt điện) và một số loại chất thải rắn công nghiệp thông thường (trong các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp) và đề xuất giải pháp tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải rắn công nghiệp góp phần sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Quảng Ninh; Dự án điều tra, đánh giá khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng nước thải mỏ...
Sở TN&MT cũng trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch quản lý tổng hợp, giảm thiểu chất thải nhựa, thay thế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, tăng cường công tác quản lý, thu gom, tái chế, tái sử dụng, vận chuyển và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Tỉnh đẩy mạnh xây dựng khu xử lý chất thải rắn; phê duyệt Đề án nâng cao tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2022; đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành đưa vào vận hành các khu xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt... Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, như: “Nghiên cứu sử dụng tro bay, xỉ đáy tại Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả để sản xuất vật liệu xây dựng” do Sở Xây dựng phối hợp với Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới thực hiện; “Nghiên cứu thiết lập hệ thống quản lý và tái chế chất thải rắn xây dựng ứng dụng làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” do Sở Xây dựng phối hợp với Trường Đại học Xây dựng thực hiện.
Các sở, ngành, địa phương tích cực vận động doanh nghiệp, tổ chức, người dân đầu tư, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để tăng cường tái chế và sử dụng chất thải; vận động các doanh nghiệp, người dân phát triển năng lượng sạch. Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan vận động, khuyến khích các đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nhập và tiêu thụ nhiên liệu sinh học thay thế nhiên liệu hóa thạch. Qua đó, năm 2021 lượng xăng E5 tiêu thụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 100.000m3.
Hiện gần 20% hộ dân đẩy mạnh chương trình khí sinh học. Các hộ dân có hầm bioga đều được tập huấn, sử dụng hiệu quả; có gần 20% lượng đất đá bóc trong khai thác khoáng sản, VLXD trên địa bàn tỉnh được tái chế, tái sử dụng hoặc thu hồi năng lượng; cả 7 nhà máy nhiệt điện trên địa bàn với tổng lượng tro xỉ hằng năm là 20 triệu tấn đều có hợp đồng thu gom, xử lý tro, xỉ phục vụ sản xuất VLXD, san lấp mặt bằng... Toàn tỉnh có 311 doanh nghiệp, cá nhân lắp đặt hệ thống điện mặt trời với 3.154kWp; 210 hộ dân tại các khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh được sử dụng điện mặt trời với tổng công suất 210kWp. Đặc biệt, tháng 10/2021, tỉnh đã khởi động Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh tại TP Cẩm Phả, là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, công suất 1.500MW, kinh phí đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.
Nhờ tăng cường tái chế và sử dụng chất thải đã góp phần giúp môi trường Quảng Ninh được cải thiện đáng kể. Kết quả quan trắc môi trường định kỳ cho thấy chất lượng không khí trong các đô thị, khu dân cư có giá trị nằm trong giới hạn cho phép.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()