Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 09:37 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Thứ 3, 08/10/2024 | 13:27:58 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 56 xã vùng DTTS, miền núi. Trước kia do điều kiện hạ tầng còn khó khăn, thiếu thốn, cùng phong tục, tập quán, thói quen lạc hậu đã làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Tuy nhiên, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương và sự thay đổi nhận thức của người dân, môi trường ở các xã này ngày càng được cải thiện.
Để tạo “cú huých” mạnh mẽ trong chuyển biến về công tác môi trường, tháng 9/2022, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 572/CTr-UBND ngày 17/3/2023 thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU...
Theo đó, các địa phương đã triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, tiếp tục mô hình phân loại rác tại một số xã, phường; triển khai thí điểm mô hình cộng đồng tham gia quản lý, phân loại rác thải tại nguồn. Tại các xã vùng DTTS, miền núi, các ngành, đoàn thể thường xuyên vận động, hỗ trợ người dân di chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa nơi ở, đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.
Từ năm 2022 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã vận động người dân thu gom, phân loại 365 tấn rác các loại. Năm 2022, cơ quan khối Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đã đăng ký, huy động nguồn lực hoàn thành hỗ trợ 827 nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí nông thôn mới cho người dân huyện Bình Liêu và huyện Ba Chẽ, với tổng số tiền là 3,308 tỷ đồng.
Các địa phương khác cũng tích cực vận động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ người dân vùng đồng bào DTTS xây dựng chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh. Điều này đã tạo chuyển biến đột phá về nhận thức, nếp sống hợp vệ sinh trong đồng bào DTTS.
Bà Đặng Thị Hải (bản Cấu Phùng, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà) cho biết: Trước kia, gia đình chúng tôi không có nhà vệ sinh. Nhưng sau khi cán bộ xã, cán bộ thôn tuyên truyền mới thấy, việc phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Bởi vậy, khi được hỗ trợ 1 tấn xi măng, gia đình cũng đã bỏ thêm chi phí để xây dựng nhà tiêu.
Để thuận lợi cho người dân trong thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, Quảng Ninh tích cực đầu tư hạ tầng. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3/5 khu xử lý rác cấp vùng đi vào hoạt động; 9/13 địa phương có lò đốt rác được đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng số 19 lò đốt rác, cơ bản đảm bảo giải quyết nhu cầu xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh, các địa phương đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó có các xã miền núi, xã vùng DTTS để việc di chuyển xe thu gom rác được dễ dàng.
Đồng thời, các địa phương còn quản lý chặt chẽ việc xả và xử lý nước thải, rác thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra môi trường; tiếp tục hướng dẫn, triển khai thực hiện việc phân loại rác thải sinh hoạt tại từng hộ gia đình và xây dựng hố ủ rác hữu cơ tại chỗ tạo phân vi sinh. Nhờ đó đến nay, đã có trên 91,5% số rác thải sinh hoạt của người dân ở vùng nông thôn, miền núi được thu gom, xử lý theo đúng quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Việc vận động người dân chuyển đổi mô hình chăn nuôi hợp vệ sinh môi trường cũng được các địa phương quan tâm; trong đó phát triển kinh tế trang trại thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 232 trang trại, trong đó có 129 trang trại hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Các trang trại hoạt động có hiệu quả cao, trung bình doanh thu đạt 1.547,17 triệu đồng/trang trại, lợi nhuận 220 triệu đồng/trang trại.
Cùng với đó, để đảm bảo người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nước sạch sinh hoạt, tỉnh cũng tích cực đầu tư hạ tầng cấp nước sinh hoạt cho bà con. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 274 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và phân tán tại các địa phương đảm bảo tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt gần 70%.
Hiện tỉnh đang xây dựng, thực hiện đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Riêng năm 2014, các địa phương đã chủ động bố trí vốn đầu tư thuộc Chương trình xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 14 dự án, công trình nước sạch phục vụ đời sống nhân dân vùng đồng bào DTTS.
Nhờ sự đầu tư mạnh mẽ của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp và thay đổi nhận thức từ người dân, hiện vùng DTTS và miền núi của Quảng Ninh có chuyển biến tích cực về môi trường nông thôn. Cả 56 xã vùng đồng bào DTTS trên địa bàn đều đạt chuẩn nông thôn mới.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()