Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:45 (GMT +7)
Phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng dân tộc thiểu số
Thứ 5, 15/08/2024 | 13:37:22 [GMT +7] A A
Chính sách y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS trên địa bàn ngày càng được tỉnh quan tâm, trong đó có chú trọng phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Quảng Ninh thực hiện chương trình phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em thông qua việc lồng ghép các chương trình như: “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào DTTS và miền núi”, thực hiện đề án "Dân số và phát triển tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030", đề án “Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025”, dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em”...
Qua đó, các ngành, địa phương tổ chức tốt chương trình chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người DTTS. Ngành Y tế đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ lồng ghép trong chăm sóc trước sinh tại trạm y tế xã và tại cộng đồng. Đồng thời, các cơ sở y tế thực hiện tốt quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Với các trường hợp sinh thường, tư vấn với gia đình để trẻ được bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh tại trạm y tế có đỡ đẻ.
Cùng với đó, cả 56 trạm y tế ở các xã vùng DTTS đều tổ chức khám sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai 3 lần/thai kỳ/người và 3 tháng/lần/trẻ với trẻ em dưới 2 tuổi; triển khai tư vấn dinh dưỡng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi… Triển khai các biện pháp can thiệp đối với trẻ em từ 0 đến 72 tháng tuổi được chẩn đoán suy dinh dưỡng cấp tính nặng bằng cách hỗ trợ điều trị; hỗ trợ, hướng dẫn dinh dưỡng thường xuyên… Các trạm y tế cũng thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 42 ngày đầu sau sinh tại nhà, nhằm theo dõi sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh trong 6 tuần đầu tại nhà.
Các đơn vị y tế còn phối hợp cùng các xã, thôn tổ chức, hoặc lồng ghép các buổi hướng dẫn trình diễn thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm, thực phẩm sẵn có của địa phương tại trạm y tế hoặc nhà văn hóa thôn, bản cho phụ nữ có thai và bà mẹ có con dưới 2 tuổi. Thường xuyên tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai; khuyến khích và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ; giáo dục ăn bổ sung hợp lý; bổ sung vi chất cho phụ nữ mang thai, bà mẹ nuôi con nhỏ. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh tổ chức 543 buổi truyền thông giáo dục dinh dưỡng, phát 1.687 lần truyền thông giáo dục dinh dưỡng trên đài phát thanh ở xã, phường, thị trấn, thôn, bản vùng DTTS.
Chương trình can thiệp cấp bổ sung vitamin A liều cao cho bà mẹ và trẻ em dưới 5 tuổi nhằm phòng chống tình trạng thiếu vitamin A cũng được đẩy mạnh. Các trạm y tế thường xuyên theo dõi cân nặng cho toàn bộ trẻ sơ sinh, 3 tháng/lần đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi không suy dinh dưỡng. Với trẻ có suy dinh dưỡng được theo dõi tăng trưởng và tư vấn dinh dưỡng hằng tháng. Vào ngày 1 và 2/6 hằng năm, tỉnh đều triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao phối hợp cân đo theo dõi tăng trưởng toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi, trong đó ưu tiên các trẻ thuộc diện DTTS, vùng núi, hải đảo…
Ngành Y tế cũng triển khai phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại trạm y tế và hướng dẫn phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và chăm sóc trẻ dưới 60 tháng tuổi sử dụng phần mềm. Từ năm 2020 đến nay, CDC Quảng Ninh sản xuất 400 bộ công cụ đánh giá nhanh tình trạng dinh dưỡng cấp phát cho các huyện, thị xã, thành phố nhằm hỗ trợ sàng lọc nhanh trẻ dưới 5 tuổi mắc suy dinh dưỡng cấp tính trong cộng đồng để kịp thời can thiệp.
Cùng với đó, tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương còn triển khai các chương trình can thiệp dinh dưỡng tại trường học vùng đồng bào DTTS như: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng học đường, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao, xây dựng các mô hình truyền thông phù hợp; hỗ trợ bữa ăn bán trú, hỗ trợ sữa cho trẻ… Ngành Y tế xây dựng các tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông cho cha mẹ học sinh về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm có lợi và an toàn, tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh. Phối hợp cùng ngành Giáo dục tuyên truyền về dinh dưỡng hợp lý cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì; xây dựng hướng dẫn, tổ chức bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi, vùng, miền; xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh…
Nhờ triển khai các giải pháp trên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể. Đến đầu tháng 6/2024, toàn tỉnh có 13.921 trẻ dưới 5 tuổi người DTTS, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 7,81%, trong khi năm 2018, tỷ lệ này là 14,3%.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()