Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:12 (GMT +7)
Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Thứ 3, 23/04/2024 | 05:45:56 [GMT +7] A A
Thương mại điện tử đang trở thành một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển KT-XH. Bên cạnh những lợi thế, vẫn còn những rủi ro đi kèm, nhất là hành vi lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái... gây khó khăn trong giải quyết khiếu nại khách hàng.
Cùng với sự "lên ngôi" của công nghệ, dù ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn, mọi người có thể mua sắm online. Chỉ cần thông qua thiết bị máy tính, điện thoại thông minh kết nối internet, người tiêu dùng có thể tìm thấy đủ các thương hiệu, từ lớn tới nhỏ, từ local brand – các thương hiệu nội địa, thậm chí tới nhãn hàng lớn trên thế giới. Việc mua sắm cũng dễ dàng hơn bao giờ hết, chỉ cần chọn vào giỏ hàng, nhấn mua, và chờ đợi những shipper (người vận chuyển hàng) vận chuyển.
Tại Việt Nam, theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử năm 2023 đạt doanh thu ước đạt 20,5 tỷ USD, trên 56,4 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như người mua hàng nào cũng gặp phải những rủi ro khi mua hàng online. Chị Phạm Thị Hồng Nhung (TP Hạ Long), chia sẻ: “Đi làm bận rộn, không có nhiều thời gian, nên tôi chủ yếu mua sắm online, tuy nhiên không phải lúc nào cũng có trải nghiệm tốt. Có những khi người bán quảng cáo một kiểu, nhưng hàng lại không đúng. Hoặc hàng hóa chỉ có mẫu mã đẹp, nhưng chất lượng lại kém. Hoặc nhiều khi gặp hàng giả, hàng nhái…”
Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Quảng Ninh, các hành vi xâm hại quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường thương mại thường gặp như: Bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hoá nhận được khác với quảng cáo; thông tin giao dịch của người tiêu dùng bị bên thứ ba lợi dụng để mạo danh giao hàng… Thế nhưng, có một thực tế là chính những người bị xâm hại quyền lợi khi mua sắm online cũng thường bỏ qua thay vì báo cáo, hay đòi lại quyền lợi của mình. Ông Vũ Văn Thìn, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Quảng Ninh, cho biết: “Thường thì giá trị mỗi món hàng mua sắm online không quá lớn. Nhiều người tiêu dùng khi gặp những tình huống liên quan đến mua sắm hàng hóa không đảm bảo chất lượng thường có tâm lý, ngại đi trình báo cơ quan chức năng bởi mất thời gian, lại nhiều thủ tục nên chỉ dừng lại ở báo cáo quản trị viên về người bán hoặc cửa hàng đó, cảnh báo người quen và bỏ qua. Còn về phía Hiệp hội cũng không đủ kỹ năng, kỹ thuật, cũng như nguồn lực cho việc truy vết các cửa hàng, doanh nghiệp vi phạm trên môi trường mạng, cho nên cũng rất khó để đòi lại quyền lợi cho người tiêu dùng”.
Trong quý I/2024, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 7 vụ việc liên quan đến kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử, phạt tiền trên 173 triệu đồng, trị giá hàng hoá phát mại trên 115 triệu đồng, trị giá hàng hoá vi phạm trên 175 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Hưng, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, khẳng định: “Lực lượng QLTT toàn tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp các lực lượng như Công an, Sở TT&TT rà soát các trang thương mại điện tử có hàng hóa vi phạm để xử lý. Đồng thời, duy trì lực lượng trực thường xuyên để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm nếu có”.
Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật đã bổ sung nhiều hành vi bị cấm để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử, như: Cấm thực hiện hành vi không thông báo trước, không công khai cho người tiêu dùng việc tài trợ cho người có ảnh hưởng dưới mọi hình thức để sử dụng hình ảnh, lời khuyên, khuyến nghị của người này nhằm xúc tiến thương mại hoặc khuyến khích người tiêu dùng mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; cấm thực hiện hành vi ngăn cản người tiêu dùng kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; cấm hành vi yêu cầu người tiêu dùng phải mua thêm sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như là điều kiện bắt buộc để giao kết hợp đồng trái với ý muốn của người tiêu dùng… Luật có hiệu lực thi hành sẽ góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Nguyễn Trang
Liên kết website
Ý kiến ()