Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 06:31 (GMT +7)
Bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững
Thứ 4, 21/12/2022 | 12:55:42 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030" đã tạo động lực mạnh mẽ để toàn tỉnh tiếp nối kết quả đạt được, có quan điểm tổng thể thực hiện công tác xây dựng và bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh nguồn nước.
Quảng Ninh có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, bao gồm hồ chứa, sông suối, nước mặt, nước ngầm và nước thải mỏ của ngành Than đã qua xử lý. Theo đánh giá của ngành chức năng, riêng nguồn tài nguyên nước mặt, mỗi năm tỉnh có khoảng 8.146 triệu m3 nước; nguồn nước ngầm có thể khai thác tới 617 triệu m3/năm, tương đương 1,6 triệu m3/ngày đêm.
Tuy nhiên, nguồn nước của tỉnh đang sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi chế độ dòng chảy. Rừng thoái hóa cũng làm giảm khả năng giữ, điều hòa nguồn nước. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để cũng làm suy giảm chất lượng, trữ lượng nguồn nước.
Xác định bảo đảm an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án “Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, đề ra nhiều giải pháp chiến lược đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững giai đoạn tới.
Được sự quan tâm của Đảng và các cấp bộ, ngành trung ương, những năm gần đây Quảng Ninh đã tiến hành tu bổ, nâng cấp, xây mới hàng chục công trình hồ, đập chứa nước, tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Ông Vũ Minh Thành, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều, cho biết: Công ty hiện quản lý 18 hồ, đập với tổng dung tích 35,8 triệu m3 và 11 trạm bơm phục vụ việc tưới, tiêu nước cho 19 xã, phường và một số doanh nghiệp trên địa bàn TX Đông Triều. Những năm gần đây, từ nguồn vốn đầu tư của trung ương và tỉnh, hầu hết các hồ đập chứa nước, các công trình phụ trợ đi kèm của Công ty được nâng cấp, sửa chữa, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ và an toàn cho vùng hạ du, đảm bảo nguồn nước tưới ổn định cho hơn 1.000ha canh tác nông nghiệp của các xã, phường An Sinh, Tân Việt, Tràng An, Bình Dương, Đông Triều, Đức Chính.
Tỉnh hiện có 730 công trình thủy lợi (176 hồ chứa nước, 460 đập dâng, 94 trạm bơm) phục vụ tưới lúa, cây màu, cây ăn quả và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản... Trong đó, 3 công ty TNHH MTV thủy lợi quản lý 46 hồ chứa, 11 đập dâng, 11 trạm bơm; UBND cấp huyện quản lý 129 hồ chứa, 449 đập dâng, 85 trạm bơm. Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, thời gian qua các địa phương tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình hồ đập, trạm bơm được giao quản lý, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để tu bổ, nâng cấp các hồ đập, nhất là ở những nơi thiếu nguồn sinh thủy.
Xuất phát từ nhu cầu cấp bách của người dân về nước sinh hoạt và nước sản xuất, năm 2019 huyện Ba Chẽ khởi công xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao là Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm. Công trình có tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại do ngân sách huyện cân đối, bố trí. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2021, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người dân của 4 xã, tạo nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 70ha lúa 2 vụ và 20ha màu tại xã Lương Mông, giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu, tạo cảnh quan du lịch sinh thái cho vùng dự án nói riêng, huyện Ba Chẽ nói chung.
Ông Lương Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Mông, cho biết: Sau khi công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng, bàn giao cho Lương Mông quản lý, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công trình. Từ đó, nhân dân đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ công trình, sử dụng có hiệu quả nguồn nước, bảo vệ nguồn sinh thủy, giữ gìn vệ sinh môi trường nguồn nước, như trồng cây gỗ lớn tại vùng đầu nguồn hồ nước.
Hệ thống công trình thủy lợi không ngừng được đầu tư, hoàn thiện đã góp phần bảo đảm nguồn nước tưới cho 59.218ha sản xuất nông nghiệp, 32.092ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ trên địa bàn tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để Quảng Ninh thực hiện hiệu quả Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030".
Theo tính toán của Sở NN&PTNT, giai đoạn hiện nay Quảng Ninh sử dụng khoảng 431 triệu m3 nước/năm; đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước là 597,15 triệu m3/năm (thiếu 1,08 triệu m3/năm); đến 2030 là 646 triệu m3/năm (thiếu khoảng 2,6 triệu m3/năm). Thực hiện Đề án "Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, giai đoạn 2022-2026 tỉnh xây mới 3 hồ chứa nước, sửa chữa, nâng cấp 39 hồ chứa, 36 đập dâng; giai đoạn 2026-2030 xây mới 16 hồ chứa, 4 đập dâng, 1 nhà máy nước sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ tại khu vực Cẩm Phả và 1 công trình chuyển nước sạch từ Cửa Ông sang Vân Đồn, đồng thời sửa chữa, nâng cấp 25 hồ chứa, 47 đập dâng, góp phần đảm bảo nguồn nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()