Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 12:43 (GMT +7)
Bảo vệ rừng sau bão số 3
Thứ 5, 03/10/2024 | 15:40:58 [GMT +7] A A
Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt chú trọng trồng rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, nhờ đó luôn đảm bảo ổn định tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%. Tuy nhiên, cơn bão Yagi tràn về vào tháng 9 vừa qua đã làm hơn 117.000ha rừng bị đổ gãy, vừa thiệt hại lớn về kinh tế, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống. Do đó, công tác bảo vệ và phát triển rừng sau bão đang được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Quảng Ninh có trên 434.000ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm đến 70% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Cơn bão số 3 có sức tàn phá lớn, với cường độ rất mạnh đổ bộ vào tỉnh đã khiến 117.311,8ha rừng trong tỉnh bị hư hỏng, ước tính tổng giá trị thiệt hại do cây gãy đổ là trên 5.000 tỷ đồng, chủ yếu ở rừng sản xuất với các loài cây như thông, keo, bạch đàn. Cây cối hầu hết bị gãy ngang thân, đổ rạp hoặc bật gốc, không thể sinh trưởng tiếp. Trong đó, thiệt hại nhiều nhất là các địa phương, như: Ba Chẽ 14.650ha; Vân Đồn 15.276ha; Cẩm Phả 9.846ha; Hạ Long 22.800ha; Tiên Yên 16.724ha; Hải Hà 2.235ha; Bình Liêu 2.017ha…
Ngay sau bão số 3, các địa phương, doanh nghiệp, đơn vị, hộ trồng rừng đã nhanh chóng thống kê thiệt hại, triển khai ngay công tác dọn dẹp thực bì, bắt tay vào khôi phục sản xuất. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai ngay các chính sách hỗ trợ đã có của tỉnh để hỗ trợ các hộ dân, doanh nghiệp, đơn vị đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời khẩn trương xây dựng Đề án tái thiết ngành lâm nghiệp để báo cáo UBND tỉnh.
Những ngày này, thời tiết khô hanh kéo dài, quá trình thu gom, xử lý cây rừng thiệt hại vẫn đang được người dân, doanh nghiệp triển khai; tình trạng lá rụng, cây khô nhiều rất dễ dẫn tới nguy cơ cháy rừng. Như ngày 28/9, tại khu rừng bạch đàn, thông, keo thuộc địa phận khu 2, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, đã xảy ra cháy. Mới đây, tối 1/10, tại thôn Tiền Hải, xã Minh Châu, Vân Đồn, người dân phát hiện cháy rừng keo, bạch đàn và thông của một số hộ dân. Cả hai đám cháy đều được địa phương huy động tối đa lực lượng tham gia dập tắt. Đây đều là những cánh rừng trồng của người dân vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Nguyên nhân gây cháy là do thời tiết khô nóng, cộng với nhiều cành cây gãy đổ do cơn bão số 3 đã tạo thành lớp phủ bì khô dày, rất dễ bắt lửa, cháy lan.
Để bảo vệ rừng trồng, ngày 26/9/2024, UBND tỉnh đã có công văn về tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng sau bão Yagi. Theo đó tỉnh chỉ đạo cần chủ động, tăng cường tổ chức lực lượng PCCC rừng, tăng cường kiểm tra công tác PCCC rừng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt đối với các khu vực trọng điểm như Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Uông Bí, Đông Triều. Chi cục Kiểm lâm tỉnh phải tổ chức theo dõi chặt chẽ diến biến thời tiết, duy trì dự báo, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra cháy rừng để thông tin kịp thời cho các địa phương. Đồng thời, tăng cường lực lượng phối hợp cùng các chủ rừng canh phòng lửa tại các khu rừng trọng điểm, khu rừng đang tiến hành xử lý thực bì và tận thu, vệ sinh rừng sau bão, có nguy cơ xảy ra cháy cao để có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng phát động đợt cao điểm hỗ trợ thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Với phương châm “4 tại chỗ”, các địa phương chủ động huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn để tổ chức phát động chiến dịch cao điểm 30 ngày đêm ra quân hỗ trợ các chủ rừng thu dọn, vệ sinh rừng, tận thu lâm sản trên diện tích rừng bị thiệt hại, quyết tâm hoàn thành trước ngày 31/10/2024. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lâm sản cũng được tạo điều kiện thuận lợi về kho bãi, điện… để hoạt động tối đa công suất với tinh thần chung sức sẻ chia, hỗ trợ tối đa khắc phục thiệt hại cho chủ rừng. Giá thu mua lâm sản cũng được thống nhất, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người trồng rừng…
Bão số 3 gây thiệt hại lớn cho những cánh rừng của Quảng Ninh. UBND tỉnh đã có nhiều cuộc họp bàn giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trồng rừng; giải quyết những khó khăn trước mắt và tìm ra hướng đi lâu dài để những cánh rừng xanh trở lại. Với sự chung tay đồng hành và những biện pháp kịp thời để bảo vệ, phát triển rừng, tin tưởng rằng người dân, doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn tỉnh có thêm niềm tin, động lực để khôi phục sản xuất, đưa kinh tế rừng Quảng Ninh nhanh chóng phục hồi và phát triển.
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()