Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 13:45 (GMT +7)
Bảo vệ tài nguyên nước
Thứ 3, 12/11/2024 | 10:10:04 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, tăng cường bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.
Quảng Ninh hiện có 67 sông, suối có chiều dài hơn 10km, trong đó có 6 sông, suối thuộc lưu vực sông lớn, 29 sông, suối thuộc lưu vực sông liên tỉnh độc lập và 32 sông, suối nội tỉnh độc lập.
Toàn tỉnh hiện có 176 hồ chứa nước đang hoạt động, với tổng dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m3/năm, trong đó có 27 hồ chứa thực hiện cấp nước đa chức năng với tổng dung tích hữu ích 257,4 triệu m3.
Tổng lượng nước mặt hàng năm của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8.146 triệu m3/năm, nhưng mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nước cho các mục tiêu phát triển. Tiềm năng nước dưới đất tương đối giàu (trữ lượng tiềm năng khoảng 617 triệu m3/năm).
Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong việc bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đối với các sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương tăng cường quản lý tài nguyên nước, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, phân định trách nhiệm, phần việc cụ thể từng cấp, ngành, đơn vị.
Đến nay, tỉnh đã phê duyệt và ban hành danh mục các nguồn nước nội tỉnh, danh mục nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tại Quyết định số 5575/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 (điều chỉnh một số nội dung thuộc danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh tại Quyết định 3057/QĐ-UBND ngày 23/10/2024); đã hoàn thành xây dựng hệ thống quan trắc tự động ngành tài nguyên môi trường tỉnh, trong đó tích hợp modul tiếp nhận dữ liệu giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định; tổ chức thực hiện phương án bảo vệ khai thác và sử dụng tài nguyên nước tỉnh Quảng Ninh trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phê duyệt danh mục gồm 204 hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh…
Việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước từng bước được quản lý chặt chẽ. Hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, hoạt động hành nghề khoan nước dưới đất đã được quản lý cấp phép theo đúng quy định của pháp luật. Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cũng ban hành nhiều văn bản đề nghị các địa phương rà soát, đôn đốc, xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác nước không có giấy phép theo quy định và hướng dẫn đơn vị thực hiện quy định về Luật Tài nguyên nước; tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác tài nguyên nước thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra, xử phạt 9 đơn vị về hành vi khai thác tài nguyên nước không có giấy phép theo quy định, xử phạt 470 triệu đồng (chưa bao gồm tiền thu lợi bất hợp pháp).
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan về tài nguyên nước; tăng cường vai trò của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát các hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Điển hình, ngày 28/10/2024, Sở TN-MT phối hợp với Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN-MT) tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn Luật Tài nguyên nước năm 2023 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành cho CBCCVC thuộc các sở, ngành liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước; cán bộ quản lý về TN-MT của UBND các cấp trong tỉnh; đại diện tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn.
Mới đây, ngày 25/10/2024, UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch số 245/KH-UBND, tiếp tục yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước; Quy hoạch tài nguyên nước; phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn. Kế hoạch đã phân công nhiệm vụ, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo việc triển khai thi hành được kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.
Với nhiều giải pháp triển khai, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn đã đạt được kết quả nhất định, góp phần quan trọng phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()