Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 07:18 (GMT +7)
Vì một Quảng Ninh xanh
Thứ 4, 25/10/2023 | 07:27:37 [GMT +7] A A
Quảng Ninh xác định phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt. Với nhiều cách làm hay, riêng có, công tác BVMT của tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, hướng tới kinh tế xanh bền vững.
Nhận diện nguy cơ
Trước đây tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xảy ra ở một số khu vực: Vàng Danh (TP Uông Bí); Hà Tu, Hà Khánh, Hồng Hà (TP Hạ Long); Cọc Sáu, Mông Dương, Cao Sơn (TP Cẩm Phả)... Ở những khu vực này, hàng cây, nhà ở, tường rào đều bị bụi than bám đen xì, người dân bị mất ngủ bởi tiếng ồn của xe, tàu chở than chạy suốt ngày đêm. Theo số liệu quan trắc và phân tích môi trường của Sở TN&MT giai đoạn này, tại những khu vực trên, hàm lượng bụi lơ lửng trong không khí vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,1-4 lần, phần lớn bị tác động bởi hoạt động sản xuất than, xi măng, nhiệt điện.
Nước thải cũng là một vấn đề từng gây nhiều bức xúc cho người dân. Mặc dù có trên 90% dân số đô thị được tiếp cận với nước sạch, cao hơn so với các tỉnh, thành khác trong nước, nhưng chỉ có 30% số hộ gia đình khu vực nông thôn được tiếp cận với nước sạch đạt chuẩn. Phần nước mặt và nước ven biển bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi hoạt động sản xuất công nghiệp nặng, khi phần lớn nước thải không được xử lý trước khi thải ra biển.
Ngoài nước thải từ sản xuất công nghiệp, Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long còn bị đe dọa bởi hàng nghìn tàu cá, tàu du lịch và hoạt động của các làng chài trên biển. Tải lượng ô nhiễm từ các hoạt động này tương đương với 30% tải lượng ô nhiễm từ dân cư trong khu vực. Trung bình mỗi năm Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long hứng chịu khoảng 43.000 tấn COD, 135 tấn kim loại nặng, 800.000 tấn rác thải rắn…, khiến cho hàm lượng chất rắn lơ lửng trong môi trường nước khá cao, vượt giới hạn cho phép từ 1,55-40 lần, gây những tác động lớn và toàn diện tới môi trường cũng như cuộc sống của người dân.
Mặc dù là địa phương giàu có về nguồn tài nguyên, đa dạng sinh học biển với hơn 60.000ha vùng ven biển, nhiều loài hải sản quý giá, nhưng việc môi trường nước bị ô nhiễm, cộng với tình trạng đánh bắt thủy sản theo phương thức tận diệt, dẫn đến nhiều nguồn lợi thủy sản bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Quảng Ninh cũng là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất (388.000ha) so với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, nhưng rừng nguyên sinh, rừng đặc dụng bị giảm mạnh, rừng gỗ lớn không nhiều...
Đồng bộ các giải pháp
10 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã tìm mọi giải pháp để giảm thiểu sự tác động đến môi trường tự nhiên, coi nhiệm vụ này là một trong những "xương sống" trong chiến lược phát triển của tỉnh. Để tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động, năm 2018 tỉnh chọn chủ đề công tác "Bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên”.
Nhằm kiểm soát nguồn phát thải, thời gian qua tỉnh đã đầu tư, quản lý, vận hành ổn định 165 trạm quan trắc môi trường tự động. Các dữ liệu từ trạm quan trắc được chuyển tải liên tục, thường xuyên, trực tiếp tới Bộ TN&MT, Sở TN&MT, UBND các địa phương. Đồng thời công khai thông tin bằng nhiều hình thức cho người dân được biết. Tỉnh kiên quyết xử lý các trường hợp có số liệu quan trắc tự động vượt giới hạn cho phép.
Khai thác than, khoáng sản đã trực tiếp làm thay đổi môi trường xung quanh, phá vỡ cân bằng của tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, hằng năm TKV dành ra hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác BVMT. Các doanh nghiệp ngành Than tích cực đổi mới công nghệ khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường, cải tạo các công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá, nạo vét hệ thống thoát nước, lắp đặt các công trình giảm thiểu bụi, tiếng ồn quá trình vận chuyển, sàng tuyển.
Quảng Ninh hiện có 22 khu vực mỏ đá vôi được cấp phép khai thác, trong đó Bộ TN&MT cấp phép 6 khu vực mỏ đá, UBND tỉnh cấp phép 16 khu vực mỏ đá. Đối với 16 khu vực mỏ đá do tỉnh cấp phép, theo lộ trình đến năm 2025 có 12 mỏ kết thúc khai thác, 4 mỏ còn lại kết thúc khai thác sau năm 2025; tỉnh tiếp tục vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ vào năm 2025. Từ năm 2018 đến nay, tỉnh không gia hạn thời gian khai thác đối với các mỏ đá đã hết hạn. Đồng thời tiếp tục đề nghị các bộ, ngành cho dừng hoạt động các nhà máy xi măng tại Hạ Long, Cẩm Phả trước năm 2030.
Tỉnh đầu tư, đưa vào vận hành khu xử lý chất thải rắn Trường Xuân (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô); tiếp tục đầu tư khu xử lý chất thải rắn cho các xã đảo Thanh Lân (Cô Tô), Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng (Vân Đồn). Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã thu gom, xử lý hơn 6.000 tấn rác thải tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát... Tỉnh đang triển khai Dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại Hạ Long, Móng Cái; tiếp tục xúc tiến đầu tư dự án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu vực đô thị tập trung tại Cẩm Phả, Vân Đồn, Quảng Yên... nhằm hạn chế nước sinh hoạt xả thải trực tiếp ra biển. Đặc biệt, Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương trong nước ban hành quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng, bè, giàn có sử dụng phao nổi. Trên cơ sở đó, tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương chuyển đổi lồng, bè, giàn bằng phao xốp sang vật liệu thân thiện với môi trường.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”
Theo thống kê của Sở TN&MT, toàn tỉnh có trên 240 mỏ và điểm quặng đã và đang được khai thác; sản lượng khai thác nguyên khai một năm: Than đạt trên 40 triệu tấn, vật liệu xây dựng trên 1,4 triệu m3, đá vôi xi măng trên 6,5 triệu tấn, sét xi măng trên 1,3 triệu tấn... Giai đoạn năm 2011 trở về trước, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh chiếm tới 59% cơ cấu nền kinh tế; thu từ than và đất chiếm tới 77% số thu ngân sách nội địa, trong đó số thu ngân sách từ ngành Than chiếm 67% số thu nội địa của tỉnh mỗi năm.
Những đóng góp của ngành công nghiệp đã đưa Quảng Ninh trong nhiều năm nằm trong tốp những tỉnh miền núi phía Bắc có tốc độ phát triển vào loại tốt, trong đó khai thác than, khoáng sản đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên, đây lại là ngành có tài nguyên hữu hạn, dần tiến đến cạn kiệt; đi cùng là những tác động xấu từ mô hình tăng trưởng “nâu” ngày càng thể hiện rõ hơn.
Theo quy hoạch, để khai thác than lộ thiên, hằng năm TKV thải ra môi trường khoảng 300-500 triệu m3 đất đá, 100-250 triệu m3 nước thải. Hoạt động vận tải biển, cảng biển, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản phát triển thiếu quy hoạch, định hướng, cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, sông suối, diện tích bồi lắng do đất đá trôi lấp. Việc phát triển đô thị cùng với tình trạng rửa trôi đất đá xuống các vùng cửa sông, vùng nước ven bờ đã làm giảm diện tích rừng ngập mặn, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản... Từ lâu Quảng Ninh được cơ quan môi trường trung ương cảnh báo là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu.
Dưới tác động của tăng trưởng “nâu”, dù là tỉnh có những lợi thế nổi trội để phát triển du lịch, tuy nhiên do phát triển đan xen giữa công nghiệp, du lịch, dịch vụ thiếu tính quy hoạch đã khiến các ngành kinh tế khác ngoài công nghiệp tăng trưởng chậm.
Bên cạnh những bất cập do mô hình tăng trưởng không bền vững, quá phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng, thì một yếu tố bất lợi khác đó là hạ tầng giao thông của tỉnh không mấy thuận lợi; việc phát triển các ngành, lĩnh vực chưa được quan tâm đầu tư về KHCN, nhất là những công nghệ mới, sạch, thân thiện với môi trường… Đó là những yếu tố kìm hãm sự phát triển bền vững của tỉnh.
Nhận diện được những bất cập trong quá trình phát triển, từ những năm đầu của nhiệm kỳ 2010-2015, tỉnh xác định phải thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững. Tăng trưởng xanh sẽ được thực hiện dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển, gắn với thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược là cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển kết cấu hạ tầng. Qua đó dần giảm bớt dựa vào các yếu tố không bền vững như tài nguyên hữu hạn, tăng dần các yếu tố bền vững dựa vào vị trí địa chính trị, kinh tế tri thức, KHCN, tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, cảnh quan, văn hoá, truyền thống lịch sử và trí tuệ con người... để phát triển, trên cơ sở định vị được tiềm năng, thế mạnh, sự phát triển của địa phương đặt trong bối cảnh khu vực, quốc gia, quốc tế.
Để tạo được sự thống nhất, đồng bộ trong thực hiện, mục tiêu tăng trưởng xanh của tỉnh đã được đưa ra bàn và nhận được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, cũng như nhân dân tỉnh tại các kỳ Đại hội XIII (2010-2015), Đại hội XIV (2015-2020), Đại hội XV (2020-2025) của Đảng bộ tỉnh. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh nhấn mạnh: "Lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm".
Những quan điểm, nghị quyết, chỉ thị liên quan đến tăng trưởng xanh của Quảng Ninh đã trở thành kim chỉ nam cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Một trong những mục tiêu mà tỉnh đặt ra khi thực hiện chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” là giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ, cùng với đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, chế tạo.
Với những quyết sách đúng đắn, kịp thời, sáng tạo, Quảng Ninh đã phát triển thành một trung tâm du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp của cả nước và quốc tế. Để du lịch, dịch vụ phát triển mạnh mẽ, tỉnh đã đầu tư, kêu gọi đầu tư hàng loạt những công trình, dự án trọng điểm, hiện đại, tạo lực đẩy cho ngành "công nghiệp không khói". Qua đó “kéo gần” các tỉnh, thành phố lân cận với Quảng Ninh, tạo thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại những điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh. Trong đó đáng chú ý là tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Sân bay Vân Đồn… được đầu tư với số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cách làm đồng bộ của tỉnh đã đem lại hiệu quả rõ rệt, gỡ dần những "nút thắt" trong bài toán phát triển theo hướng xanh hơn. Đặc biệt là chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tự nhiên, đảm bảo mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
Hiểu Trân
Liên kết website
Ý kiến ()