Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:05 (GMT +7)
Bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo
Thứ 3, 15/09/2020 | 10:56:42 [GMT +7] A A
Tỉnh Quảng Ninh có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng và an ninh của đất nước. Quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách tập trung mọi nguồn lực để xây dựng và củng cố nền biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Qua đó, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển đảo, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh.
Tăng cường tiềm lực khu vực biên giới, biển đảo
Thi công cáp ngầm xuyên biển đưa điện ra đảo Trần (huyện Cô Tô). Ảnh: Đỗ Phương |
Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong nước có đường biên giới trên bộ và trên biển (tiếp giáp với Trung Quốc) dài hơn 300km; có vùng biển rộng khoảng 6.000km2 với hơn 2.000 đảo, được ví như hình ảnh của “Việt Nam thu nhỏ”. Điều kiện địa lý tự nhiên đó đã mang lại nhiều tiềm năng, thế mạnh thuận lợi để Quảng Ninh hội nhập, phát triển toàn diện. Song, quá trình phát triển cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo.
Với phương châm “mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quán triệt, ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, địa phương và nhân dân phát huy những tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; trong đó, tập trung gắn kết phát triển kinh tế biển, đảo với củng cố quốc phòng - an ninh. Từ đó, tăng cường tiềm lực tại chỗ đối với các khu vực biển đảo; tạo dựng, củng cố niềm tin để nhân dân địa phương thực sự yên tâm, tin tưởng gắn bó với biên cương, biển, đảo của Tổ quốc.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký phát lệnh đóng điện ra đảo Trần (huyện Cô Tô), ngày 2/9/2020. Ảnh: Đỗ Phương |
Là huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc, Cô Tô có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh. Được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, hàng loạt các dự án kinh tế - quốc phòng đã được đầu tư tại vùng đất này. Năm 2012, dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô được khởi công và chỉ sau 1 năm đã hoàn thành, thắp sáng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc, đưa ước mơ bao đời của người dân Cô Tô trở thành hiện thực. Mới đây, ngày 2/9, tại đảo Trần - đảo xa xôi nhất thuộc Cô Tô, cũng đã có điện lưới quốc gia, mở thêm cơ hội phát triển mới cho huyện đảo. Từ một đảo cách xa đất liền, bộn bề khó khăn, Cô Tô đã được quan tâm đầu tư nâng cấp hệ thống đường giao thông, hồ trữ nước ngọt, các công trình trường học, trung tâm y tế, nhà văn hóa khang trang, xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ,... Đây là đòn bẩy để Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới đầu tiên của cả nước (năm 2016), là điểm đến du lịch biển hấp dẫn của miền Bắc. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân trên đảo không ngừng được cải thiện, càng làm cho quân và dân trên đảo thêm vững tin, cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đồng chí Trần Như Long, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô, cho biết: Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thì nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo luôn được Đảng bộ và các cấp chính quyền huyện đặt lên hàng đầu. Đảng bộ huyện thường xuyên quán triệt, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về xây dựng nền quốc phòng toàn dân; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, triển khai các công trình, dự án gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội với xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới quốc gia.
Con đường vào bản Vắn Tốc (xã Quảng Đức, huyện Hải Hà) được bê tông hóa từ sự giúp đỡ của CBCS Đồn Biên phòng Quảng Đức. Ảnh: Trúc Linh |
Tỉnh có 82 xã, phường thuộc khu vực biên giới hải đảo, là những địa bàn “phên dậu” có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng đầu tư hoàn thiện hệ thống công trình hạ tầng thiết yếu và cấp bách để phục vụ đời sống dân sinh khu vực biển, đảo và vùng ven biển, đảm bảo tính chiến lược về kinh tế, quốc phòng. Nhiều công trình, dự án lưỡng dụng được triển khai, phát huy hiệu quả, như dự án đường vành đai, kè biên giới, các dự án kinh tế - quốc phòng vùng ven biển và các đảo Trần, Cô Tô, Ngọc Vừng. Đặc biệt, điện lưới quốc gia đã đến tất cả các xã thuộc tuyến đảo. Đến nay, gần 100% số hộ dân của tỉnh được dùng điện lưới quốc gia. Song song với đó, những dự án, công trình lớn tại các địa bàn biên giới của tỉnh được hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Cầu Bắc Luân II, Cầu Cửa khẩu Hoành Mô, Cầu phao tạm tại Km 3+4. Tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả Đề án 196, Chương trình 135, đưa 17 xã, 54 thôn của tỉnh ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, sớm hơn 1 năm so với lộ trình đặt ra.
CBCS Đồn Biên phòng Cửa khẩu Hoành Mô giúp nhân dân xã biên giới Đồng Văn (huyện Bình Liêu) xây nhà ở. |
Những chủ trương, biện pháp cụ thể, hiệu quả trên đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, biển đảo; góp phần hình thành các tuyến, các vành đai bảo vệ biên giới từ xa đến gần. Đây chính là cơ sở quan trọng để nhân dân đặt niềm tin vào Đảng, Nhà nước, vào công cuộc đổi mới; tạo nền tảng xây dựng thế trận lòng dân trong thế trận biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo của quốc gia.
Xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh
CBCS biên phòng tăng cường tuần tra biên giới tại khu vực xã Hải Sơn (TP Móng Cái). |
Nhằm tạo thế và lực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo, Quảng Ninh luôn xác định công tác xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh là một nội dung trọng tâm. Các cấp, các ngành và lực lượng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiệm vụ, giải pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo. Trong đó, bộ đội biên phòng (BĐBP) đã phát huy vai trò là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, triển khai hàng loạt mô hình hiệu quả để xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Các tổ, đội công tác và lực lượng BĐBP đã kết hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác vận động quần chúng ở cơ sở thông qua những hoạt động thiết thực, như: Tổ chức “Ngày Biên phòng toàn dân”; các phong trào, chương trình “Mái ấm biên cương”, “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”… Với phương châm hướng về cơ sở, BĐBP đã bám địa bàn, bám dân, bám đối tượng trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Lân phối hợp tuyên truyền ngư dân phòng chống Covid-19. (Ảnh Đồn Biên phòng Thanh Lân cung cấp) |
Cùng với đó, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng công an, quân đội tích cực tham gia giúp nhân dân phòng, chống mưa bão, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Từ đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, chung tay cùng cả hệ thống chính trị, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã căng mình tham gia các tổ, chốt biên giới, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép; tạo “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch, góp phần vì sự bình yên vùng phên dậu của Tổ quốc…
Thông qua những chương trình, việc làm thiết thực này đã góp phần củng cố thế trận lòng dân, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, sức mạnh của người dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc. Hiện trên khu vực biên giới của tỉnh thành lập 271 tổ tự quản với trên 3.600 thành viên tham gia quản lý bảo vệ 96 cột mốc/117,7km đường biên giới và các bến cảng, bến bãi. Hàng trăm tổ, đội tàu thuyền, bến bãi an toàn được xây dựng với hàng nghìn phương tiện của ngư dân, giúp nhau vừa vươn khơi bám biển, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thiếu tá Nguyễn Duy Tuấn, cán bộ Đồn Biên phòng Cô Tô, được tăng cường làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tiến (huyện Cô Tô). |
Nhằm xây dựng, củng cố cơ sở chính trị địa phương vùng biên giới vững mạnh, nhiều năm nay, BĐBP đã duy trì mô hình cán bộ BĐBP tăng cường tham gia cấp ủy ở 24 xã, phường. Đồng thời, thí điểm triển khai cán bộ, đảng viên là BĐBP tham gia sinh hoạt chi bộ tại 13 thôn, bản giáp biên; phân công đảng viên phụ trách 1.690 hộ gia đình.
Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước được Ban Bí thư Trung ương đồng ý cho thí điểm thực hiện chủ trương đồn trưởng, chính trị viên Đồn Biên phòng tăng cường cấp ủy của 5 huyện, thành phố biên giới, biển đảo của tỉnh. Trên cơ sở quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tỉnh chỉ đạo lực lượng BĐBP đổi mới công tác huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng lực lượng BĐBP vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm nòng cốt trong xây dựng nền biên phòng toàn dân.
Nhân dân xã Hoành Mô (huyện Bình Liêu) tích cực tham gia cùng lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát đường biên, cột mốc trên địa bàn. |
Đồng chí Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh, nhấn mạnh: BĐBP Quảng Ninh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới đất liền dài 118,825km, với tổng số 98 mốc giới/176 cột mốc; đường phân định trên biển dài 191km, tiếp giáp Hải Phòng; quản lý địa bàn biên phòng gồm 16 xã, phường trên đất liền, 66 xã, phường, thị trấn tuyến biên giới biển, thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, bám sát chỉ đạo, định hướng của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, lực lượng biên phòng tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, đưa Quảng Ninh phát triển trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Trúc Linh
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()