Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 23:58 (GMT +7)
Bất cập tiền điện sinh hoạt ở nhà trọ
Thứ 7, 20/09/2014 | 05:15:12 [GMT +7] A A
Mặc dù Nhà nước đã ban hành những quy định cụ thể về cách tính giá điện và việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, tuy nhiên, việc các chủ nhà trọ thu tiền điện cao gấp 2-3 lần đã tồn tại từ nhiều năm nay cho thấy, các cơ quan chức năng vẫn đang khá “buông lỏng” công tác quản lý đối với vấn đề này.
Trung bình, người thuê nhà sẽ phải trả từ 3.000-5.000 đồng/kWh ngay từ những số điện đầu tiên. (Khu nhà trọ tại ngõ 9, tổ 9, khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long). |
Tại Nghị định số 134/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thuỷ điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm đã nêu rõ: Người cho thuê nhà nếu thu tiền điện cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ đăng ký tạm trú… Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực xảy ra tại địa phương. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng quy định cụ thể, trong trường hợp có 4 người cùng thuê trọ, ký hợp đồng thuê 6 tháng và đã đăng ký tạm trú thì sẽ được chủ nhà trọ lắp công tơ điện riêng. Giá điện sẽ được tính theo bậc thang như hộ gia đình. Được biết, Nghị định trên đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-12-2013, tuy nhiên theo khảo sát của chúng tôi, không mấy chủ nhà trọ chịu thực hiện quy định này, vì thủ tục rườm rà mà họ lại mất phần chênh lệch khi đứng ra thu tiền điện với giá cao. Do vậy, nhiều năm nay, các chủ nhà trọ vẫn “vô tư” quyết định giá bán điện cho người thuê với mức giá cao gấp 2-3 lần so với mức giá quy định. Trung bình, người thuê nhà sẽ phải trả từ 3.000-5.000 đồng/kWh ngay từ những số điện đầu tiên, thậm chí cao hơn nếu dùng trên 100 số điện. Trong khi đó, tại Thông tư số 16/2014/ TT-BCT của Bộ Công Thương, mức giá bán lẻ điện cho sinh hoạt thấp nhất hiện nay là 1.388 đồng/kWh cho từ 0-50kWh/tháng; mức giá cao nhất từ 401kWh/tháng trở lên là 2.399 đồng.
Tìm hiểu thực tế tại nhiều khu vực nhà trọ trên địa bàn TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, chúng tôi nhận thấy, phần lớn người thuê nhà biết họ đang phải dùng điện với giá cao nhưng tâm lý “cam chịu” và ngại va chạm nên họ vẫn chọn cách im lặng. Em Trần Văn Thành, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh (thuê trọ tại ngõ 9, tổ 9, khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: “2 năm đi ở trọ bọn em đều phải chịu tiền điện với giá 3.500 đồng/kWh. Có thắc mắc thì chủ nhà bảo là quy định chung rồi, nếu không đồng ý thì tìm chỗ khác thuê. Còn về những quy định trên thì bọn em cũng không nắm rõ. Với lại, bọn em cũng chẳng biết đòi quyền lợi với ai, thắc mắc nhiều không khéo lại bị chủ nhà đuổi. Mà đi nhà trọ khác thì vẫn phải chịu mức giá này vì dường như các chủ nhà có sự thống nhất với nhau về giá, bọn em cũng tham khảo nhiều khu trọ khác rồi”.
Có thể thấy, sau gần 2 năm Nghị định 134 có hiệu lực, quyền lợi được mua điện theo giá Nhà nước quy định của người đi thuê nhà vẫn chỉ là những quy định trên giấy. Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong công tác quản lý bán điện, ông Bùi Quang Sơn, Phó phòng Quản lý Năng lượng, Sở Công Thương khẳng định: “Nghị định 134 là một chính sách hay, nhưng đang gặp khó khi đi vào cuộc sống. Bởi lẽ, giá bán điện do chủ nhà và người thuê tự thoả thuận, hầu hết không có hợp đồng hoặc bất kỳ một văn bản nào nên việc xử lý theo Nghị định cũng gặp rất nhiều khó khăn. Muốn xử lý hành vi vi phạm này, trước tiên là phải có hoá đơn, chứng từ làm căn cứ”. Còn theo ông Nguyễn Trọng Bình, Trưởng phòng Giám sát điện năng, Công ty Điện lực Quảng Ninh: “Ngành Điện không có thẩm quyền tự ý kiểm tra và xử phạt vì việc bán điện này nằm sau công tơ của ngành Điện. Ngành Điện chỉ được kiểm tra đối với những hộ thực hiện việc kê khai và đã ký hợp đồng với đơn vị, nhưng cho đến nay gần như 100% việc bán điện cho các đối tượng thuê nhà, chủ yếu là do các chủ nhà tự ý thực hiện và chưa được sự đồng ý của các Điện lực địa phương. Ông Bình cũng cho biết thêm, do người thuê nhà không có hợp đồng trực tiếp mua điện nên đồng hồ đo đếm điện năng của các phòng trọ không phải công tơ đã được kiểm định của ngành Điện. Đây đều là những công tơ trôi nổi trên thị trường, nên chất lượng và độ chính xác trong việc đo đếm sản lượng điện cũng sẽ khó bảo đảm… Và như vậy là vô hình chung, người thuê nhà đang bị “thiệt đơn, thiệt kép”.
Thiết nghĩ, để người thuê nhà thật sự được hưởng những lợi ích từ quy định của Nhà nước, các cơ quan chức năng cần tăng cường chú trọng hơn nữa công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định về giá bán điện của các chủ nhà trọ. Bên cạnh đó, người thuê trọ cũng nên mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()