Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 07:11 (GMT +7)
Vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp: Thực trạng đáng báo động
Thứ 2, 13/10/2014 | 09:15:20 [GMT +7] A A
Là một trong những địa phương có lưới điện cao áp được hình thành sớm với khối lượng đường dây 35kV; 22kV; 10kV và 6kV lên tới trên 14.000km. Tuy nhiên, do không lường hết được mức độ nguy hiểm nên tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp (HLATLĐCA) trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở mức báo động.
Những tai nạn thương tâm
Theo thống kê của Phòng Thanh tra an toàn, Công ty Điện lực Quảng Ninh, chỉ trong vòng 8 năm (2006-2014), trên địa bàn tỉnh xảy ra 43 vụ vi phạm gây thương vong về người, trong đó có 23 người tử vong tại chỗ. Điều đáng nói là 100% các vụ vi phạm trên đều do sự bất cẩn và ý thức chủ quan của người dân. Điển hình như ngày 7-2-2006, trong lúc anh Trần Văn Huy (phường Hà Trung, TP Hạ Long) kéo sắt lên tầng 3 để thi công, khi cây sắt quay ngang đã vi phạm khoảng cách điện với đường dây 22kV trước cửa nhà. Hậu quả là anh Huy bị điện 22kV phóng chết tại chỗ. Tiếp đó trong tháng 4-2006, tại khoảng cột 90-7-19 đến 90-7-194 đường dây 375E56 (thôn Bằng Cả, xã Đạp Thanh, huyện Ba Chẽ), trong lúc một nhóm nhân công dựng cột thủ công 6,5m để treo đỡ dây cáp điện thì đã va chạm với đường dây điện 35kV, bị điện áp 35kV phóng vào khiến 1 người tử vong, 3 người bị bỏng nặng. Còn mới đây nhất, ngày 20-5-2014, theo người dân kể lại thì tại vị trí 132 đường dây 375E55 (phường Hà Tu, TP Hạ Long), có một người đàn ông khoảng 25-30 tuổi (không xác định danh tính), đã trèo lên cột điện cao thế và bị điện áp phóng rơi xuống đất, gây bỏng toàn thân. Các vụ còn lại thì do người dân câu cá, lợp mái tôn, lắp đặt biển quảng cáo, chặt cây... ngay sát dưới đường dây điện cao áp. Từ thực tế cho thấy, chỉ cần một sơ suất nhỏ vi phạm khoảng cách với HLATLĐCA là bất cứ ai cũng có thể bị điện giật, gây thương tích nặng, hoặc tử vong.
Di chuyển cột để xóa bỏ các điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp ở thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn). |
Trước những tai nạn thương tâm này, những năm qua, ngành Điện đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải toả và xoá bỏ các điểm vi phạm. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn vướng mắc nên tình trạng các điểm vi phạm vẫn còn khá cao, trong đó có nhiều điểm vi phạm đã tồn tại suốt 40-50 năm qua.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Để đường dây cao áp vận hành ổn định, không có sự cố về tai nạn điện, tiến tới xoá bỏ dứt điểm các điểm vi phạm, từ năm 2010 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tổ chức chiến dịch “hành lang trắng”, nhằm sớm hoàn thành mục tiêu trên. Theo đó, Công ty đã yêu cầu tất cả các Điện lực địa phương ra quân phát quang hành lang lưới điện; vận động người dân dỡ bỏ phần vi phạm. Đặc biệt, Công ty đã tự bỏ kinh phí lên tới 40 tỷ đồng để giải toả các điểm vi phạm bằng các biện pháp như: Thay dây dẫn trần bằng dây bọc, nâng chiều cao cột bằng cách thay cột, thay đổi kết cấu xà, di chuyển tuyến cột điện... Tuy nhiên qua rà soát, hiện toàn tỉnh vẫn còn tới 340/518 vụ vi phạm mà ngành Điện không thể xử lý dứt điểm. Bởi lẽ những điểm vi phạm này hầu hết là do người dân, doanh nghiệp tự ý xây dựng, cơi nới, mở rộng các công trình nhà cửa kiên cố bằng bê tông, nằm trong khu vực đô thị, gần các trục đường giao thông... Chính vì vậy, việc yêu cầu các hộ dân phá dỡ các công trình đã được xây dựng kiên cố là điều gần như “không thể”. Được biết, để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương khi lập quy hoạch sử dụng đất, giao đất giao rừng cho người dân đã không khảo sát kỹ thực địa, không tính đến sự tồn tại trước đó của đường điện. Đồng thời, thiếu phương án di dời, giải phóng mặt bằng đối với công trình điện trước khi giao đất. Khi phát hiện vi phạm cũng không kiên quyết xử lý ngay từ ban đầu, dẫn đến thời gian xử lý kéo dài và không giải quyết dứt điểm được vi phạm. Cá biệt có những địa phương mặc nhiên coi trách nhiệm giải toả, ngăn chặn là của ngành Điện nên công tác quản lý và phối hợp còn khá lỏng lẻo. Cùng với đó, chế tài xử lý các trường hợp vi phạm còn nhiều bất cập khi ngành Điện chỉ được phép lập biên bản hiện trường, tạm dừng thi công phần vi phạm... sau đó gửi thông báo tới chính quyền các cấp. Chính vì những khó khăn, bất cập trên nên tính đến hết ngày 10-10-2014, số điểm vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh chưa giải quyết được vẫn khá cao, với 518 điểm. Trong đó có những địa phương nhiều năm liền luôn trở thành “điểm nóng” khi tỷ lệ vi phạm HLATLĐCA chiếm tới 30-50% tổng số các vụ vi phạm. Cụ thể, hiện TP Cẩm Phả còn 249 điểm; TP Hạ Long còn 175 điểm; huyện Đông Triều còn 43 điểm... Điều đáng nói là số lượng những điểm vi phạm trên chưa bao gồm các điểm vi phạm do người dân trồng cây lâm nghiệp dưới các đường dây điện.
Có thể khẳng định rằng, việc giảm thiểu tình trạng vi phạm HLATLĐ không chỉ tránh những thiệt hại về người và tài sản mà còn là một trong những biện pháp làm giảm tổn thất điện năng và tiết kiệm điện hiệu quả nhất. Thiết nghĩ, để làm được điều này một cách hiệu quả, việc xoá bỏ các điểm vi phạm HLATLĐCA không chỉ là nỗ lực của riêng ngành Điện, mà cần có sự phối hợp đồng bộ hơn nữa từ phía chính quyền các cấp, ban ngành có liên quan trong việc xử lý vi phạm cũng như vận động, nâng cao nhận thức của người dân chấp hành tốt các quy định về HLATLĐCA.
Vũ Đình Tân (Phó GĐ Kỹ thuật-PCQN)
Liên kết website
Ý kiến ()