Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:55 (GMT +7)
Bắt đầu từ việc tìm sinh kế cho người dân
Thứ 7, 13/10/2012 | 22:42:38 [GMT +7] A A
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 22-6 của UBND tỉnh về tăng cường công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, trong thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp tuyên truyền, tuần tra, xử lý các vi phạm. Tuy nhiên những kết quả đạt được còn thiếu tính bền vững, hiện nay tình trạng bán hàng rong, ăn xin vẫn còn lén lút tồn tại, thậm chí còn có xu hướng gia tăng...
Theo thống kê của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, hiện nay có khoảng 70 đò máy, đò chèo bằng tay chuyên đeo bám các tàu du lịch để bán hàng rong, ăn xin trên Vịnh Hạ Long. Các đò, mủng này hoạt động trên các tuyến tham quan Vịnh, nhưng tập trung nhiều nhất tại các khu vực làng chài Ba Hang, Hoa Cương và Bồ Nâu. Trong đó, riêng khu vực làng chài Bồ Nâu có khoảng 48 thuyền mủng bán hàng rong, hoạt động chủ yếu là bán hàng cho chính các hộ dân, lực lượng thuyền viên, khách du lịch neo đậu tại khu vực Bồ Nâu, Sửng Sốt. Hoạt động đeo bám tàu vận chuyển khách du lịch để ăn xin, bán hàng rong tại các tuyến tham quan trên Vịnh Hạ Long không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn tại các luồng tuyến du lịch mà còn làm ảnh hưởng xấu đến cảnh quan môi trường Vịnh Hạ Long.
Về lâu dài cần lựa chọn các giải pháp sinh kế bền vững cho các hộ dân theo hướng chuyển dần cư dân lên bờ. |
Thời gian qua, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư các làng chài chấp hành các quy định, văn bản của tỉnh, thực hiện ký cam kết bảo vệ di sản v.v. Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm như: tạm giữ đò máy, tịch thu tiêu huỷ thuyền nan của các đối tượng hành nghề ăn xin… Mặt khác, để bà con đảm bảo cuộc sống mưu sinh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã có cơ chế tạo điều kiện tốt nhất cho các hộ ngư dân trên biển. Một trong những việc làm thiết thực nhất đó là tuyển dụng chính con em của những người dân làng chài vào làm nhân viên trực tiếp làm việc trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt ưu tiên những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến nay, chỉ riêng khu vực dân cư Bồ Nâu đã có 18 người đang trong độ tuổi lao động được cơ quan tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm Bảo tồn công viên hang động. Qua đó đã góp phần tạo công ăn việc làm, hạn chế lao động dôi dư, thất nghiệp có thể tham gia các công việc khác gây tác động đến di sản. Tuy vậy, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời và cũng chỉ có thể giải quyết cho một số ít đối tượng. Ông Nguyễn Văn Duyên, Khu trưởng Khu Ba Hang, cho biết, kể từ khi Chỉ thị 11 của UBND tỉnh được ban hành, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng và địa phương, tình trạng ăn xin, đeo bám tàu du lịch của bà con khu vực Ba Hang, Hoa Cương đã giảm đi rất nhiều. Nhưng kể từ ngày 1-9, khi Cảng vụ đường thuỷ nội địa, Sở Giao thông vận tải, thực hiện theo Chỉ thị 11/CT-UBND: “Không cấp phép rời cảng, không cho tàu du lịch đến các điểm dịch vụ, điểm bán hải sản… chưa được công bố trên Vịnh Hạ Long”, đã phát sinh một vấn đề, đó là do các tàu du lịch thực hiện nghiêm túc các quy định này đã khiến số lao động ở các bè nuôi trồng, dịch vụ nghỉ việc, không công ăn việc làm lại tăng lên. Một số người dân lại tiếp tục mua đò mủng đeo bám các tàu du lịch. Cũng theo đại diện Đội kiểm tra xử lý vi phạm, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, bắt đầu từ ngày 1-9, tình trạng đeo bám lại trở nên phức tạp hơn, việc bán hàng hải sản trên các đò di động lại gia tăng. Chính vì vậy, việc giải quyết triệt để tệ nạn đeo bám tàu du lịch bán hàng rong, ăn xin trên Vịnh cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và của cả cộng đồng. Đặc biệt, phải kiên quyết xử lý nghiêm túc, dứt điểm để tạo sức răn đe những đối tượng vi phạm làm ảnh hưởng xấu đến môi trường Vịnh Hạ Long.
Để hạn chế và dần đi đến chấm dứt việc bán hàng rong, ăn xin chèo kéo du khách, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là phải tạo công ăn việc làm cho các đối tượng này. Mới đây Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cũng đã tổ chức một cuộc Hội thảo tìm sinh kế cho các đối tượng ăn xin, đeo bám trên Vịnh Hạ Long. Hội thảo đã thu hút nhiều ban, ngành chức năng tham gia. Nhiều ý kiến cho rằng, UBND tỉnh cần triển khai sớm phương án từng bước di dời các hộ dân cư lên bờ, trong đó đặc biệt ưu tiên các hộ dân hành nghề ăn xin, đeo bám. Song song với việc đó, trước mắt cần chuyển đổi nghề nghiệp của các đối tượng, bằng các biện pháp như: đào tạo nghề đan lưới, nuôi trồng thuỷ sản; mở các dịch vụ chèo đò, tham quan các làng chài; hỗ trợ vốn đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ, tạo điều kiện làm việc tại một số doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ trên Vịnh; mở rộng một số mô hình du lịch cộng đồng có sự tham gia của người dân… Về lâu dài cần lựa chọn các giải pháp sinh kế bền vững cho các hộ dân theo hướng chuyển dần cư dân lên bờ như phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo nghề, các trung tâm giới thiệu việc làm đào tạo cho người dân theo học một số ngành nghề có thể kiếm sống trên bờ như: thêu, đan, may, sửa chữa xe máy, điện… Sau đó giới thiệu tuyển dụng họ vào làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp. Nếu làm được những điều này, khi bà con đã có được công việc ổn định cuộc sống, việc lành mạnh hoá môi trường kinh doanh du lịch trên Vịnh Hạ Long sẽ không còn là “bài toán khó”...
Thu Nguyên
Liên kết website
Ý kiến ()