Ông Nhân, 41 tuổi, vừa bị Công an quận 7 chuyển tội danh điều tra từ Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác sang Chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.
Cơ quan điều tra xác định, chiều 29/8, Nhân cùng vợ đến Aeon Citimart, quận 7, mua sữa cho con và một số hàng hóa. Nhân viên bảo vệ không cho vợ chồng ông này vào vì siêu thị không được phép bán hàng trực tiếp, khi thành phố đang thực hiện siết chặt giãn cách với quy định "ai ở đâu yên đó".
Nhân lớn tiếng nạt nộ, rút thẻ nhận là Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 quận 7, quát "tui cho công an xuống gặp ông đó, tui mua đồ cho Ban chỉ đạo quận 7". Ông này sau đó xông vào trong đòi gặp "quản lý toà nhà", kéo khẩu trang xuống cự cãi... Vợ Nhân nhiều lần can ngăn, kéo chồng ra xe về nhà.
Theo luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó chánh toà Hình sự TAND TP HCM), trong bối cảnh cả nước căng mình đối phó với Covid-19, hành vi của ông Nhân là không thể chấp nhận, cần thiết có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Theo đó, Công an quận 7 đã nhanh chóng vào cuộc, khởi tố Nhân về tội Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác.
Tuy nhiên, hồi cuối tháng 9, cơ quan điều tra chuyển tội danh bị can sang Chống người thi hành công vụ theo khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự. "Đối với hành vi này, cơ quan điều tra phải chứng minh bảo vệ siêu thị đang thi hành công vụ, cụ thể công vụ đó là gì, ai là người có thẩm quyền giao nhiệm vụ đó cho nhân viên bảo vệ này. Nếu không chứng minh được yếu tố công vụ thì phải xử lý Nhân bằng biện pháp khác", ông Long nói.
Đồng quan điểm, luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, Nhân bị điều tra tội này là không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP ngày 17/12/2013 của Chính phủ (quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ): người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 3 Nghị định 208 quy định: hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao".
"Đối chiếu các quy định trên, thì nhân viên bảo vệ siêu thị không phải là người thi hành công vụ cũng như không thực hiện công vụ, mà chỉ thực hiện công việc bảo vệ của nhân viên siêu thị - tức là thực hiện việc tư. Như vậy, rõ ràng không có hành vi chống người thi hành công vụ trong trường hợp này", ông Mạch nêu quan điểm.
Theo luật sư, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, các hành vi phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng nhiều, thậm chí có những hành vi gây rất nhiều bức xúc cho dư luận. Việc chính quyền kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý là rất cần thiết.
Tuy nhiên, khi xử lý cần phải xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về hành vi vi phạm, tính chất, hậu quả gây ra, căn cứ vào hành lang pháp lý, quy định pháp luật cụ thể để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp, tránh khiên cưỡng, vội vàng. Như vậy, sự việc mới hợp tình, hợp lý, đảm bảo tính răn đe và giáo dục phòng ngừa chung.
Là người bảo vệ ông Nhân từ giai đoạn điều tra, luật sư Lê Thị Bích Chi (Đoàn luật sư TP HCM) nhìn nhận hành vi của thân chủ là sai, gây bức xúc cho xã hội và đáng lên án. Cơ quan chức năng kịp thời xem xét, xử lý nghiêm hành vi này là cần thiết, đảm bảo công tác phòng chống dịch và răn đe, nhưng việc xử lý như thế nào cho đúng pháp luật, phù hợp với tính chất, mức độ hành vi cũng cần thiết không kém.
"Ông Nhân sẽ bị xem là có hành vi chống người thi hành công vụ nếu như bảo vệ hoặc nhân viên siêu thị báo lực lượng công an đến giải quyết, và ông Nhân vẫn tiếp tục có hành vi cản trở, chống đối lực lượng công an. Nhưng ở vụ án này điều đó không xảy ra", bà Chi nói.
Ý kiến ()