Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 21:21 (GMT +7)
Bầu cử Tổng thống Iran: Trách nhiệm nặng nề
Thứ 6, 18/06/2021 | 14:20:46 [GMT +7] A A
Hôm nay 18-6, hơn 59,3 triệu cử tri Iran (I-ran) đủ điều kiện bỏ phiếu đi bầu tổng thống, nhằm chọn người kế nhiệm ông Hassan Rouhani (H.Ru-ha-ni), người sẽ kết thúc thời gian nắm quyền điều hành đất nước sau hai nhiệm kỳ. Cuộc bầu cử này được coi là "phép thử" đối với cách ứng xử cứng rắn trong quan hệ giữa Iran với phương Tây, cũng như cách xử lý khủng hoảng kinh tế vốn được thực thi trong những năm qua; đồng thời quyết định những bước tiếp theo trong cuộc đàm phán hạt nhân mà Iran đang theo đuổi.
Chạy đua giành ghế tổng thống trong cuộc bầu cử lần này có sự tham gia của bảy ứng cử viên được Hội đồng Giám hộ - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát bầu cử, phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ hai ngày trước bầu cử, hai ứng cử viên theo đường lối cứng rắn là cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân Saeed Jalili (X.Gia-li-li) và nghị sĩ Alireza Zakani (A.Da-ca-ni), cùng cựu Phó Tổng thống Mohsen Mehralizadeh (M.Me-ra-li-da-đê), một nhân vật ôn hòa theo đường lối cải cách, đã cùng thông báo rút khỏi đường đua. Với những ứng cử viên còn lại tham gia tranh cử, cuộc bầu cử tổng thống định hình một "cuộc đấu sát ván" giữa ứng cử viên hàng đầu là Bộ trưởng Tư pháp Ebrahim Raisi (E.Rai-xi) theo đường lối cứng rắn và cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Abdolnasser Hemmati (A.Hem-ma-ti) có quan điểm ôn hòa.
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 13 diễn ra trong bối cảnh Iran đã trải qua hai nhiệm kỳ điều hành của Tổng thống Rouhani, người theo đường lối thực dụng. Ông Rouhani là người đã dẫn dắt Iran trong quá trình đàm phán hạt nhân với các cường quốc và đạt thỏa thuận lịch sử năm 2015 mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, người dân Iran đã nếm trải thất vọng khi những gì mà thỏa thuận này mang lại không như mong đợi. Việc Mỹ rút khỏi JCPOA hồi năm 2018 để rồi sau đó liên tiếp áp đặt các "đòn trừng phạt" bổ sung nhằm vào Tehran (Tê-hê-ran) khiến nền kinh tế quốc gia Hồi giáo rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Khó khăn bủa vây nền kinh tế khi đồng nội tệ suy yếu, lạm phát phi mã, thất nghiệp tăng cao.
Trong khi đó, chính quyền Iran duy trì chính sách cứng rắn trong ứng phó với phương Tây. Một mặt, Tehran kiên quyết đòi Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vô điều kiện trước khi nối lại đàm phán; mặt khác, tăng cường các hoạt động làm giàu uranium (u-ra-ni) vượt mức cho phép theo thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với các cường quốc nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) nhằm đáp lại chính sách "gây sức ép tối đa" của chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump (Đ.Trăm). Bởi thế, việc lựa chọn ứng cử viên theo đường lối cứng rắn hay ôn hòa trong cuộc bầu cử tổng thống lần này sẽ phản ánh nguyện vọng của cử tri. Một nhân vật có quan điểm cứng rắn được cho là sẽ tiếp tục duy trì cách tiếp cận không khoan nhượng của Iran trong vấn đề hạt nhân bất chấp sức ép của phương Tây, trong khi việc bầu chọn ứng cử viên ôn hòa thể hiện hy vọng về một sự thay đổi nhằm đem lại tương lai sáng sủa hơn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sẽ khó có thay đổi trong quan điểm của Iran đối với các cuộc đàm phán hạt nhân đang diễn ra với các cường quốc cho dù ai lên nắm quyền tổng thống. Quan điểm xuyên suốt của Iran trong quá trình giải quyết "hồ sơ hạt nhân" là không chịu bất kỳ sự nhượng bộ nào trước sức ép của phương Tây. Mặc dù tổng thống là người điều hành và thực thi các chính sách, song người có tiếng nói cuối cùng là Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei (A.A.Kha-mê-ni), người luôn tuyên bố sẽ chống lại đến cùng sức ép của phương Tây đối với Tehran. Ông Khamenei đã kêu gọi đông đảo cử tri tham gia bầu cử, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, nhằm thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc trước áp lực mà nước ngoài đang gây ra đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Trong khi đó, vòng đàm phán thứ 6 tại Vienne (Viên, Áo) nhằm đưa Iran và Mỹ tham gia trở lại các cam kết trong JCPOA được thúc đẩy với một số tiến triển ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Iran, song các bên chưa thể hóa giải những bất đồng. Theo Bộ Ngoại giao Pháp, tiến trình đàm phán đang trở nên khó khăn hơn khi tập trung vào những vấn đề hóc búa. Trong khi đó, các nước Arab (A-rập) ở vùng Vịnh hối thúc phương Tây gây sức ép đối với Iran. Tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao các nước Arab ở vùng Vịnh mới đây, các nước này đã kêu gọi các cường quốc thế giới bảo đảm một thỏa thuận hạt nhân với những quy định hạn chế lớn hơn và thời hạn dài hơn. Cáo buộc về "tham vọng hạt nhân" của Iran, các nước Arab ở vùng Vịnh tuyên bố, việc tách rời JCPOA ra khỏi chương trình tên lửa của Tehran là điều nguy hiểm. Trước những khó khăn hiện nay trong đàm phán hạt nhân, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhận định, việc hồi sinh JCPOA sẽ phải đợi sau khi Iran thành lập chính phủ mới. Theo kế hoạch, đương kim Tổng thống Iran Rouhani sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 3-8 tới và Iran sẽ có chính phủ mới vào giữa tháng 8-2021.
Trong cương lĩnh tranh cử, các ứng cử viên tổng thống Iran cam kết sẽ chống tham nhũng, đưa sản xuất vào nhóm ưu tiên hàng đầu, thúc đẩy tư nhân hóa, tăng cường quản lý thị trường, tạo việc làm, vực dậy nền kinh tế và khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển. Trước những thách thức lớn về cả đối nội và đối ngoại, vị tổng thống kế tiếp sẽ phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề là cải cách kinh tế, đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng bởi các lệnh trừng phạt hiện nay và duy trì vị thế của Iran ở khu vực và quốc tế.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()