Hoa cho biết trong hai năm đại dịch, cha cô, 62 tuổi ở Vĩnh Phúc, dùng Internet nhiều hơn để kết nối với người thân. "Gần đây, ông dành nhiều thời gian trên mạng xã hội vì quen nhiều bạn mới. Mọi chuyện không có gì nghiêm trọng cho đến khi cha tôi hỏi về cách chuyển tiền online", Hoa, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, kể.
Vài lần trước, ông nhờ chuyển khoản với lý do mua đồ trực tuyến. Khi tần suất "mua sắm" cao hơn, ông đặt vấn đề tự mở thẻ ngân hàng để chủ động giao dịch. "Hôm cuối tuần, ông đề nghị chuyển hơn 35 triệu cho một người bạn. Số tiền khá lớn nên tôi hỏi kỹ mới biết cha đã bị lừa", Hồng Hoa cho hay.
Khoảng hai tuần trước, một tài khoản có tên nước ngoài kết bạn Facebook với cha cô và trò chuyện kiểu "Google dịch". Người này nói có một món quà muốn gửi về Việt Nam, tuy nhiên người nhận phải đóng 1.500 USD tiền phí cho bên vận chuyển mới được nhận hàng. "Để cha tôi tin tưởng hơn, người này còn chụp hình gói quà, bên trong có đồng hồ, thực phẩm chức năng, iPad...", Hoa kể lại.
Liên lạc theo số điện thoại được cho là của đơn vị vận chuyển, người nghe cho biết cô phải chuyển trước tiền mới có thể nhận hàng. Họ cũng không chấp nhận hình thức nhận hàng trả tiền tại chỗ. Phải mất nhiều thời gian, nhờ nhiều người giải thích, Hoa mới thuyết phục được cha cô rằng đây là một hình thức lừa đảo đã có từ lâu trên mạng.
Theo các chuyên gia, người cao tuổi đang trở thành con mồi béo bở của lừa đảo trực tuyến. Báo cáo về xu hướng công nghệ 2022 của AARP (Hiệp hội hưu trí của Mỹ) cho thấy những người từ 65 tuổi trở lên đang có xu hướng sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng nhiều hơn để đọc tin tức, chơi game và liên lạc. Nhu cầu mua sắm trực tuyến và thanh toán online của người cao tuổi ngày một tăng cũng khiến họ trở thành mục tiêu mới của kẻ xấu.
"Lừa đảo người già trở thành hoạt động trị giá hàng tỷ USD. Nhóm người cao tuổi ở Mỹ đã mất ít nhất khoảng 3 tỷ USD mỗi năm vào tay những kẻ lừa đảo", Orlando Sentinel dẫn báo cáo của Bộ tư pháp Mỹ.
David Brune, giáo sư tại Đại học Toronto, cho rằng: "Điều tồi tệ hơn là cơ quan chức năng không thể thống kê chính xác thiệt hại từ các vụ lừa đảo. Một lượng lớn người cao tuổi ngại nói về việc mình từng bị lừa".
Một lý do khiến người già trở thành con mồi yêu thích của những kẻ xấu là họ bị cô lập. Hầu hết những vụ lừa lớn được phát hiện sau khi con cháu nhận thấy sự bất thường. Và khi biết mình trở thành nạn nhân, họ cũng bối rối không biết giải quyết thế nào. FBI thống kê, những người thuộc thế hệ 1920 -1940 thường dễ sập bẫy hơn. Những kẻ lừa đảo tiếp cận "con mồi" theo nhiều cách, phổ biến nhất là đánh cắp thông tin cá nhân, số an sinh xã hội, tài khoản hưu trí hay thông tin thẻ tín dụng.
Theo AARP, trong danh sách 10 hình thức lừa đảo phổ biến nhắm vào người từ 60 tuổi trở lên, lừa đảo lãng mạn đứng vị trí thứ nhất, sau đó đến trút thăm trúng thưởng và xổ số. Vị trí thứ ba là những kẻ mạo danh doanh nghiệp, tiếp đến là mạo danh chính phủ, quỹ đầu tư. Lừa đảo kiểu mạo danh người thân, mua sắm trực tuyến đứng vị trí cuối cùng.
Chuyên trang dành cho người cao tuổi Aging in Place dẫn lời chuyên gia rằng để tránh trở thành nạn nân trên Internet, việc đầu tiên là tránh xa giao dịch liên quan đến tiền. "Đừng chuyển cho ai đó tiền của bạn. Không thanh toán bằng thẻ quà tặng. Không một doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ nào yêu cầu người dùng thanh toán bằng thẻ quà tặng. Không thanh toán bằng tiền điện tử. Nếu ai đó yêu cầu bạn trả tiền cho thứ gì đó bằng Bitcoin, Ether hoặc một số loại tiền điện tử khác, họ có thể là kẻ lừa đảo", trang này nêu.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo người trẻ nên dành nhiều thời gian hơn cho người cao tuổi trong nhà. "Hãy trò chuyện với họ thường xuyên, cập nhật về những chiêu trò mới trên Internet. Đừng để họ phải trực tiếp thanh toán các hóa đơn và nhắc họ cảnh giác với những thứ tưởng như miễn phí trên mạng xã hội", AARP viết.
Ý kiến ()