Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 00:07 (GMT +7)
BCH Đảng bộ tỉnh cho ý kiến về công tác lập Quy hoạch tỉnh
Thứ 7, 02/04/2022 | 19:34:21 [GMT +7] A A
Chiều ngày 2/4, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 24, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã bàn và cho ý kiến về công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, chủ trì kỳ họp.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Công ty TNHH McKinsey Việt Nam, Công ty Tư vấn Nikken Sekkei (Nhật Bản) và Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tham gia tư vấn. Đây là các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới và trong nước đã từng tham gia lập quy hoạch chiến lược của tỉnh trong giai đoạn trước đây.
Mục tiêu là đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu... Tầm nhìn năm 2050 Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao…
Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên quan điểm phù hợp với Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng. Trong đó, tập trung phát triển KT-XH nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH-ĐTH kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Tổ chức không gian phát triển hợp lý nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ, phát huy thế mạnh của từng địa phương, của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân...
Báo cáo tại hội nghị, theo Ban Cán sự UBND tỉnh, đến nay, Ban Chỉ đạo công tác lập quy hoạch do trực tiếp đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng ban đã tổ chức nhiều cuộc họp, trong đó có đến hơn 60 cuộc họp với tổ công tác và đơn vị tư vấn, gần 250 cuộc họp chuyên đề giữa các chuyên gia và các sở, ngành, địa phương, gần 40 cuộc khảo sát chuyên ngành tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đã thực hiện gửi lấy ý kiến tham gia của 19 đơn vị Bộ, ngành Trung ương, 12 tỉnh, thành phố trong vùng và lân cận theo quy định. Trong đó, trực tiếp làm việc với 3 bộ gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quá trình làm việc, các Bộ trưởng đều đánh giá cao nội dung đồ án quy hoạch của tỉnh, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong công tác triển khai lập quy hoạch, cũng như quyết tâm của tỉnh trong việc đưa ra các mục tiêu, định hướng và các giải pháp triển khai Quy hoạch tỉnh rất bài bản, kỹ lưỡng.
Tại hội nghị, trên cơ sở nghiên cứu bài bản, khoa học, chi tiết các định hướng, mục tiêu,... các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh và các chuyên gia đã đánh giá cao dự thảo quy hoạch của đơn vị tư vấn. Đồng thời, làm rõ hơn những mâu thuẫn, thách thức của Quảng Ninh; tham gia ý kiến bổ sung, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến quan điểm, mục tiêu phát triển để phù hợp hơn theo đúng quy định pháp luật.
Qua các phát biểu tại hội nghị, đặc biệt là đóng góp của các chuyên gia, BCH Đảng bộ tỉnh thống nhất một số nội dung để các cơ quan chuyên môn, cùng đơn vị tư vấn tiếp tục hoàn thiện bản quy hoạch.
Về quan điểm, định hướng, quy hoạch cần bám sát 5 quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Đó là, tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển nhanh – bền vững, đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia. Phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt; khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh mang lại nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng động lực về KT-XH ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên nền tảng nguồn nhân lực chất lượng cao, yếu tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu KHCN. Chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển "một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá ba vùng động lực”...
Bên cạnh đó, cần nhận diện rõ tỉnh Quảng Ninh so với cả nước và quốc tế hiện nay ra sao. Đặc biệt, là trong những năm qua, Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần tự lực tự cường, khát vọng phát triển trên cơ sở của một địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Quảng Ninh đã hiện thực hóa thành công 3 đột phá chiến lược, nổi bật nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể, thay đổi căn bản năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh đã tích cực thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển từ “nâu” sang “xanh”; xác định các đột phá chiến lược, các trọng tâm, trọng điểm với tầm nhìn dài hạn để huy động nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu.
Trong quy hoạch cũng cần nhận diện các mâu thuẫn, thách thức hiện nay của Quảng Ninh, đó là mâu thuẫn giữa không gian phát triển rộng lớn, tiềm năng rất to lớn với sự hạn hẹp về thể chế, cơ chế chính sách của một địa phương đang giữ vị thế là cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của phía Bắc; mâu thuẫn, xung đột giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ cùng trên một địa bàn, cùng một không gian phát triển; mâu thuẫn giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế với đảm bảo độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ ở khu vực biên giới; mâu thuẫn giữa phát triển bền vững với hóa giải thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu; mâu thuẫn giữa đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, bảo vệ môi trường.
Từ đánh giá về bối cảnh, từ nhận diện về các mâu thuẫn, thách thức, trong quan điểm phát triển cần nhấn mạnh về quan điểm phát triển bền vững, thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại và tham gia sâu rộng, có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Quảng Ninh cần kiến tạo các hành lang phát triển mới để khơi thông, kết nối các nguồn lực phát triển, tạo ra động lực và nguồn lực phát triển mới; huy động nguồn lực theo phương châm nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; lấy "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư" nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư và xã hội hoá; ngân sách tập trung cho an sinh xã hội và các công trình có tính chất động lực lan tỏa.
Quy hoạch cũng cần xác định tầm nhìn Quảng Ninh tới năm 2030 và 2050 trong bức tranh tổng thể quốc gia, quốc tế. Trong đó, cần nghiên cứu một số nội dung, Quảng Ninh trở thành trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trở thành trung tâm du lịch quốc tế, đầu tàu du lịch quốc gia; là trung tâm công nghiệp, dịch vụ văn hóa; là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm cả nước… Cùng với đó, phải nghiên cứu kỹ các luận cứ đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 là 10%/năm và giai đoạn 2031-2050 khoảng 8%/năm. Đồng thời, yêu cầu tư vấn phải tiếp tục hoàn chỉnh ở mức tốt nhất để có bản Quy hoạch trình các cơ quan Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()