Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:08 (GMT +7)
Bè cá song "khủng" ở Bái Tử Long
Chủ nhật, 16/01/2022 | 14:36:00 [GMT +7] A A
Từ lâu người dân vùng biển vẫn nhắc câu: "Chim, thu, nhụ, đé…" chỉ những loại cá đặc sản vào loại ngon nhất trong các loại cá ở biển. Thế nhưng, với ngư dân Vân Đồn có một loại được coi là có giá trị hơn được mệnh danh là “Đệ nhất đặc sản biển”, đó là cá song.
Đệ nhất đặc sản biển
Dịp cuối năm, trời lạnh xen giữa những ngày trời quang, nắng ấm. Rời cảng Cái Rồng (Vân Đồn), chiếc xuồng cao tốc đưa đoàn cán bộ nông nghiệp huyện và tỉnh hướng ra vịnh thăm các bè nuôi trồng trên Vịnh Bái Tử Long.
Chừng 30 phút sau, đoàn dừng ở hòn Cò, cách không xa xã đảo Bản Sen, ghé thăm một bè cá với hàng trăm ô lồng bè sát chân núi. Anh Hà Văn Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện và người dẫn đường bảo: Nguồn nước trong, sạch và sâu ở vùng vịnh này là địa điểm tốt để nuôi các loại cá song hoa, cá đặc sản. Bè này có khoảng 250 tấn cá. Giá thị trường khi bán cũng thu về hàng chục tới trăm tỷ đồng mỗi vụ. “Thế nhưng đây chưa phải là giống cá đặc sản và có giá trị kinh tế cao nhất ở vùng vịnh biển sâu này đâu" - Anh Ninh cười có vẻ bí mật.
Tạm biệt hòn Cò, xuồng đưa đoàn lướt nhanh giữa vịnh Bái Tử Long với vô vàn phao, bè nuôi trồng hải sản, nhìn xa như những bông hoa đang nở trên vịnh xanh ngắt. Thời tiết đẹp, nắng ấm khiến chuyến đi thêm thuận lợi.
Xuồng thẳng hướng Bản Sen tới thăm bè nuôi cá song vang của HTX Thắng Lợi. Nhìn từ xa, các lồng bè không khác gì những bè, lồng nuôi hải sản của ngư dân, nhưng khác là ở đây diện tích lồng, bè có cỡ lớn, rộng gấp hàng chục lần so với các lồng, bè khác. Đặc biệt, ở đây nuôi loài cá song vang, được mệnh danh là "Đệ nhất đặc sản biển" mà ngư dân giàu kinh nghiệm xưa nay hay kể.
Bước xuống bè, mọi người ồ lên chỉ trỏ những con cá vàng, đen to gấp 5 - 10 lần cá song thông thường. Lập tức chúng tôi được nhắc nhở hạn chế đi mạnh, làm rung lắc bè, gây ồn ào ảnh hưởng tới... cá. Anh Nguyễn Văn Chiến, nhà ở thị trấn Cái Rồng là người quản lý bè, vừa đùa vừa giải thích: Loài cá vua này rất khó tính đấy!. Môi trường xung quanh ô lồng cũng phải thật yên tĩnh, hạn chế người lạ tới thăm để tránh làm chúng kinh động.
Theo giới thiệu của anh Chiến, cá song vang hay cá song hoàng đế là loài cá khổng lồ nhất trong tất cả các loài cá song, có khi ngư dân đánh bắt được những con cá nặng tới vài trăm cân. Ở vùng biển Việt Nam đã có con nặng tới 600kg. Cá song vang có thịt trắng, ngon và có mùi thơm đặc biệt, nhất là cá ở khối lượng trên 15kg. Xưa ngoài khơi Vân Đồn ở những ngư trường lớn Bạch Long Vỹ, Cô Tô hoặc xa hơn ngư dân vẫn đánh bắt được loài cá này. Có lẽ vì quý hiếm nên được ví như vật dâng vua hay chỉ những người giàu có mới mua được nên loài cá này còn có cái tên rất quý tộc là cá vua hay cá song hoàng đế.
Đi chuẩn bị thức ăn cho cá, anh Chiến bảo một thanh niên trẻ tên Phương dẫn chúng tôi đi thăm bè. Phương chỉ cho tôi những con song vang lớn gấp 5 - 7 lần cá song lớn thông thường, màu vàng hoặc đen, lừng lững bơi trong làn nước sâu đáy bè, bảo: Ở đây phần lớn các ô lồng đều nuôi cá song vang, chỉ phần nhỏ là song hổ và các loại cá khác. Giống cá khó tính này nuôi rất công phu, tốn kém nhưng bù lại giá trị kinh tế rất cao.
Trong làn nước trong, sâu thẳm chúng tôi thấy những con song vang khoảng hàng chục kg, con nhỏ nhất có lẽ cũng chừng 20- 30kg. Mỗi lồng rộng gần 100 m2 chỉ có chừng hơn chục con song vang.
Cầm trên tay rổ cá mồi, Phương cẩn thận xem từng con, loại vài con to, cắt bớt gai lưng vài con cá lớn rồi đến những lồng song vang thả xuống. Từng con song vang lừng lững tiến tới, mồm mở rộng đớp gọn mồi rồi lặn xuống. “Mỗi loại tuổi cá phải nuôi riêng ở từng ô lồng với chế độ chăm sóc đặc biệt. Do được chăm bẵm từ bé nên chúng rất “sang chảnh”, thức ăn phải tươi ngon, khoái khẩu nhất là cá nục từ 200-300g/con. Thức ăn không tươi dù hơi ươn một chút thôi chúng ngậm vào rồi nhè ra ngay" - Phương chia sẻ.
Rổ cá đổ xuống, chưa đầy hai phút, hàng chục con song vang to bơi lên đớp thức ăn, quẫy nước bắn tung toé rồi lại lặn xuống dưới đáy lồng. Phương bảo, chăm nuôi công phu nhưng bù lại cá song vang lớn rất nhanh, thịt ngon, trắng, ngọt vô cùng, đặc biệt lớp da dày và giòn như da trâu. Bè đã từng nuôi được con song vang nặng gần 2 tạ. Hiện giá thị trường chừng 500 - 700.000đồng/kg, có nơi còn bán trên triệu đồng/kg.
Chuyện kỳ công chăm sóc
Có lẽ chính vì được đánh giá cao, song vang được coi là đặc sản chuyên để xuất khẩu thế nhưng nuôi được giống cá này vô cùng tốn công. Anh Ninh cho biết: Đây là loại cá có giá trị kinh tế lớn. Phần nhiều được xuất khẩu ra nước ngoài nên thực khách nội địa ít được biết tới. Loài cá này được nuôi ở Vân Đồn từ những năm 2014.
Tuy nhiên quy trình nuôi thì vô cùng ngặt nghèo, công phu. Chỉ ra các ô lồng cá song vang, anh Chiến bảo: Bè được giằng chắc từ phao xốp, phuy nhựa, những tấm gỗ dày, to và thả neo cố định đảm bảo độ chắc chắn, ít rung lắc. Môi trường sống của cá song vang phải luôn sạch, nước mới. Vì thế vài năm trước chủ bè cá phải kéo bè nặng hàng chục tấn ở khu vực khuất, kín gió ra vùng nước hòn Hoi, là vùng nước sâu từ 7 - 9m, có dòng chảy mạnh, nước ra vào luôn mới. Thế nhưng hàng năm chúng tôi vẫn phải thường xuyên nhờ chuyên gia thuỷ sản ra kiểm tra đánh giá chất lượng nước.
Không chỉ khó tính về ăn uống, người nuôi phải đảm bảo tốt về môi trường sống. Đặc biệt các bè nuôi bè hoàn toàn "giới nghiêm" với người lạ hoặc các cần thủ lên câu cá bởi cá song vang rât kị với với những loại mồi, bả lạ từ người câu.
Dù bán hàng trăm triệu nhưng nuôi cá song vang cũng thật tốn kém. Song vang đắt ngay từ con giống. Thông thường cá giống được coi là loại 1 dài 18cm, loại 2 từ 12- 18cm. Cá loại 2 nhỏ hơn, sức đề kháng kém, khả năng sống khi vận chuyển và ra môi trường sống chưa cao. Vì thế, chủ bè thường chọn nguồn giống rõ ràng, tốt, chọn loại 1 cho khả năng sống cao hơn. Mỗi con giống loại 1 trị giá 500.000 đồng. Mỗi đợt giống thả vài nghìn con song vang, chủ bè tốn... vài tỷ đồng là chuyện thường.
Chưa đủ, nuôi cá cũng rất cầu kỳ. “Nuôi cứ nuôi thôi chứ cầu kỳ, phức tạp và còn khổ hơn cả... con mọn. Mùa đông, cá rất kém ăn, do đó, ngoài thời gian nuôi vỗ thì còn phải chia ra cho ăn bổ sung thêm các chất dinh dưỡng, khoáng chất, vi-ta-min để cá có sức đề kháng bệnh dịch. Phức tạp nhất là những con cá lớn rất nhạy cảm với biến đổi của thời tiết và rất dễ dịch bệnh do ký sinh trùng tiến công. Nếu không có phương án chăm sóc kịp thời, cá sẽ bị bệnh lở loét, bỏ ăn và chết. Thiệt hại không thể tính được. Vất vả nhất có lẽ là theo dõi sức khoẻ, phải “tắm” kịp thời cho cá, tránh bị ghẻ hoặc mò tấn công. "Tắm" cá phải bằng nước ngọt, cẩn thận, khéo và nhanh để loại bỏ ký sinh trùng nước mặn bám vào cá, không khéo cá chết sẽ mất...cả gia tài" - anh Chiến bộc bạch.
Hiện nay, thị trường xuất khẩu hải sản đang bị ảnh hưởng rất nhiều do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19 nên giá thành sản phẩm cũng bị giảm. Chính vì thế, nhiều chủ bè chấp nhận để cá lại chăm nuôi. Song vang càng to càng được giá, dễ bán và được thực khách yêu thích. Thế nhưng, chi phí chăm nuôi lớn không phải chủ bè nào cũng kham nổi. Mùa hè là mùa cao điểm cho cá ăn để chúng phát triển. Mùa đông cá ăn ít đi, vỗ béo là chính. Song vang có thể ăn 3 - 4 ngày/lần.
Anh Hà Văn Ninh, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Đồn cho biết: "Thời điểm này, song vang chỉ có một số ít hộ nuôi, số hộ nuôi lâu năm để song vang thực sự trở nên có giá trị thì lại càng hiếm. Hiện loại cá này đã được các đối tác nước ngoài ký kết hợp tác, xuất khẩu chính ngạch. Khi tình hình dịch bệnh Covid -19 ổn định thì chắc chắn, người nuôi trồng sẽ được hưởng "quả ngọt" từ sự đầu tư của mình".
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()