Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:26 (GMT +7)
Bệ đỡ nông nghiệp Bình Phước cất cánh
Thứ 6, 07/10/2022 | 17:15:24 [GMT +7] A A
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII xác định mục tiêu đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với lợi thế là tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp, Bình Phước cũng đang xây dựng nông nghiệp là trụ đỡ phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiến tới mở rộng vùng nguyên liệu gắn với chế biến sâu, đưa nông nghiệp Bình Phước vươn xa.
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp
Hơn 3 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Hiên ở khu phố 7, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản chuyển đổi diện tích cao su già cỗi sang làm nông nghiệp công nghệ cao. Và 3 sào dưa lưới trong nhà kính đã được vợ chồng bà đầu tư bài bản, chăm sóc tỉ mỉ dưới sự hướng dẫn thường xuyên và tích cực của kỹ sư nông nghiệp cũng như các thành viên dày dạn kinh nghiệm trong Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tân Khai. Chính sự chủ động, sáng tạo và không ngừng phát huy nội lực, mỗi năm từ 3 sào dưa lưới đã đem về cho gia đình bà Hiên hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bà Hiên cũng như nhiều nông dân ở thị trấn Tân Khai đã thực sự làm chủ loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần vào sự phát triển chung của kinh tế quốc dân như mục tiêu nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2030-2045 hướng tới.
Bà Hiên chia sẻ: Trước đây, làm nông nghiệp là đầu tắt mặt tối nhưng năng suất thấp, thu nhập không cao. Hiện nay, nông dân đã hiểu và nhận thức rõ muốn tăng năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao mà giảm sức lao động thì phải áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Do đó, đối với mô hình trồng dưa lưới, các thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tân Khai đều đầu tư từ nhà kính đến thiết bị kỹ thuật, phân bón sinh học... để mang lại giá trị kinh tế cao nhất.
Trước xu thế mới, từ những định hướng của cơ quan chức năng, nhiều nông dân đã tìm hiểu và chuyển sang các loại cây trồng mang tính bền vững, có giá trị kinh tế cao. Đơn cử, hộ ông Nguyễn Doãn Vĩnh ở thôn Phước An, xã Bình Tân, huyện Phú Riềng có 2,5 ha cao su gần 30 năm tuổi. Ông Vĩnh dự tính cắt bỏ diện tích cây già cỗi, giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Ông Vĩnh cho biết: Nếu đủ năng lực thì chuyển đổi 100% sang trồng sầu riêng hoặc loại cây có giá trị cao hơn; nếu không thì chuyển đổi một nửa diện tích sang trồng cây ăn trái, nửa còn lại tiếp tục với cây cao su nhưng tìm nguồn giống tốt hơn.
Đó cũng là thực tế trên địa bàn xã Bình Tân. Nhiều hộ dân đã chặt những cây trồng cũ để thay thế giống cây mới năng suất cao hơn, thậm chí chuyển hẳn sang trồng cây ăn trái với mong muốn tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế, từ đó thay đổi đời sống vật chất, tinh thần. Mô hình chuyển đổi sang trồng sầu riêng của hộ ông Nguyễn Văn Phong ở thôn Phước Thịnh cũng là một ví dụ. 5 tháng trước, ông đầu tư hơn 100 triệu đồng chuyển đổi hơn 1 ha điều kém hiệu quả kinh tế sang trồng sầu riêng. Với hướng dẫn của các nhà chuyên môn, ông áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc và quyết tâm thực hiện theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững. “Tôi đã đầu tư cơ sở vật chất, cây giống, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật theo hướng dẫn của kỹ sư nông nghiệp. Mong rằng hướng đi này sẽ đem lại nguồn lợi lớn để phát triển kinh tế gia đình” - ông Phong kỳ vọng.
Xã Bình Tân có hơn 70% số hộ dân phát triển nông nghiệp với các loại cây trồng chủ lực như cao su, điều, tiêu. Từ lãnh đạo chính quyền địa phương đến các tổ chức đoàn thể chuyên trách đang đẩy mạnh tuyên truyền người dân thay đổi phương thức canh tác, tìm hướng đi phù hợp, bền vững, ổn định đầu ra theo xu thế nông nghiệp xanh, sạch và hiệu quả. Ông Đỗ Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân cho biết, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích các nông hộ ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tiến bộ công nghệ để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân ở khu vực nông thôn, hướng tới xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Để nghị quyết "tam nông" đi sâu vào thực tiễn
Làm chủ 50 ha cây trồng có giá trị kinh tế cao như cao su, sầu riêng, ông Trương Văn Đảo, Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn trái thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long rất tâm đắc khi Nhà nước coi nông nghiệp là “bệ đỡ” nền kinh tế nước nhà. “Tôi thấy đó là chủ trương đúng đắn. Hiện nay, nông dân Bình Phước nói chung, thị xã Phước Long nói riêng, ai ai cũng hăng hái tham gia sản xuất theo phương thức mới. Họ học nhau, hiện đại hóa từng bước trong canh tác nông nghiệp, cùng nhau hướng tới nền nông nghiệp hiện đại bền vững, vừa nâng cao năng suất vừa đem lại lợi ích kinh tế cao” - ông Đảo cho biết.
Là xã có hơn 70% dân cư làm nông nghiệp, ông Đỗ Đức Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Tân kỳ vọng Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tiếp tục thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Bình Phước nói riêng ngày càng khởi sắc. Người dân sẽ được hưởng lợi từ các chính sách đúng đắn để kịp thời vận dụng phát triển nông nghiệp hơn nữa, qua đó thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân.
Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5-6%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5-3 lần so với năm 2020. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%. Tầm nhìn đến năm 2045, nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nhiều loại nông sản hàng đầu thế giới. |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, diện tích cây công nghiệp lâu năm, cây ăn trái toàn tỉnh có hơn 438.000 ha, tăng 1,94% so cùng kỳ, đạt 102,2% kế hoạch năm. Trong định hướng phát triển, ngành nông nghiệp tỉnh đang chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tỉnh đã phê duyệt các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, triển khai quy hoạch vùng an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế. Mới đây, Bình Phước được cấp 5 mã vùng trồng sầu riêng. Đây là thời cơ vàng để nông sản Bình Phước cất cánh. Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao liên kết sản xuất, hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến nhất, xây dựng vùng chuyên canh lớn cho xuất khẩu.
Nông dân Bình Phước đang đứng trước thời cơ để thực hiện quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa một cách toàn diện; chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quá trình canh tác, sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng. Đây cũng là hướng đi dài hơi để mỗi nông dân tự tin vững bước trên chặng đường phát triển.
Theo Cẩm Liên/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()