Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 03/01/2025 07:58 (GMT +7)
Bé gái 4 tuổi bị loét thực quản do nuốt pin đồng hồ dạng cúc áo
Thứ 5, 24/10/2024 | 21:47:36 [GMT +7] A A
Bác sỹ Mạc Quốc Dũng cho biết, nếu bệnh nhi không được cấp cứu, lấy dị vật là cục pin ra ngoài kịp thời, vết loét sẽ ngày càng lớn do bị hóa chất trong cục pin ăn mòn, lâu dần sẽ gây thủng thực quản.
Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thông tin, đến ngày 24/10, bé gái N.Đ.U (4 tuổi, ngụ xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom) bị loét, xuất huyết thực quản do nuốt pin đồng hồ đã ổn định sức khỏe, ăn uống tốt, sẽ được xuất viện trong ngày tới.
Trước đó, chiều tối 23/10, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau tức vùng ngực. Người nhà cho biết, trong lúc chơi, bé đã cầm và vô tình nuốt một cục pin đồng hồ hình tròn dạng cúc áo.
Tiến hành kiểm tra kết hợp kết quả chụp X-quang, các bác sỹ phát hiện dị vật dạng đồng xu ở thực quản bệnh nhi nên đã tiến hành nội soi, gắp ra một viên pin có đường kính khoảng 15mm.
Tại vị trí viên pin mắc kẹt xuất hiện 2 vết loét trên thành thực quản, mỗi vết có đường kính 10mm.
Bác sỹ Mạc Quốc Dũng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, trường hợp này dị vật có bề mặt trơn, tròn nhưng lại bị dính vào thực quản. Bên trong cục pin đồng hồ có chứa hóa chất có tính oxit cao nên đã ăn mòn, gây loét tại vị trí tiếp xúc.
Bác sỹ Mạc Quốc Dũng cho biết, nếu bệnh nhi không được cấp cứu, lấy dị vật là cục pin ra ngoài kịp thời, vết loét sẽ ngày càng lớn do bị hóa chất trong cục pin ăn mòn, lâu dần sẽ gây thủng thực quản.
Thời gian qua, Bệnh viện liên tục tiếp nhận những trường hợp trẻ nhỏ bị hóc các dị vật thường gặp như đồng xu, nhẫn, vòng cổ, viên bi... Do đó, gia đình có trẻ nhỏ cần chú ý hạn chế để những đồ vật nhỏ trong tầm tay của trẻ vì trẻ nhỏ thường có xu hướng đưa tất cả những vật gì cầm nắm được vào miệng. Đặc biệt với những đồ vật chứa hóa chất như pin đồng hồ, sau khi sử dụng, người lớn cần để xa tầm tay trẻ em, thực hiện phân loại rác (không để vào rác sinh hoạt hàng ngày) và gom vào để xử lý theo đúng quy định.
Trường hợp phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc dị vật, dù dị vật nằm bên ngoài vùng hầu, họng, không nên dùng tay để lấy dị vật ra vì có thể vô tình sẽ đẩy dị vật vào sâu hơn hoặc gây trầy xước, chấn thương niêm mạc vùng hầu họng của trẻ. Người nhà cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để thực hiện lấy dị vật cho trẻ; tuyệt đối không sử dụng biện pháp dân gian như nuốt cơm, hoa quả, dùng kim châm đầu ngón tay... có thể khiến tình trạng hóc của trẻ nghiêm trọng hơn./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()