Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 08/01/2025 23:45 (GMT +7)
Bé hay bị tiêu chảy ngày hè, cha mẹ chăm sóc thế nào để nhanh khỏi?
Thứ 7, 16/07/2022 | 17:01:24 [GMT +7] A A
Mùa hè là thời điểm trẻ rất hay bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn. Khi trẻ bị tiêu chảy, nếu cha mẹ không biết cách xử trí đúng có thể khiến bệnh nặng thêm và gây ra tiêu chảy mạn, kéo dài, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ sau này.
Hiểu rõ thêm về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử trí và chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn mùa hè, cha mẹ và người chăm sóc sẽ giúp trẻ mau khỏe, hạn chế được tình trạng suy dinh dưỡng sau tiêu chảy.
1. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ
Tiêu chảy là bệnh rất phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, với tỷ lệ trung bình 1 trẻ mắc từ 0,8-2,2 đợt tiêu chảy trong năm. Bệnh lây qua đường phân - miệng (phân trẻ bị tiêu chảy là nguồn nhiễm bệnh).
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ chủ yếu là do virus và vi khuẩn:
- Virus: Chủ yếu là rotavirus có 5 type gây tiêu chảy. Ngoài ra còn các virus khác như: adenovirrus, calicivirus.
- Vi khuẩn: Chủ yếu là E.coli đường ruột có 5 typ (sinh độc tố, bám dính, gây bệnh, xâm nhập, gây chảy máu ruột), là chủng sinh độc tố hay gây tiêu chảy cấp toé nước nhất.
- Các nguyên nhân khác: Lỵ, campylobacter jejuni, thương hàn, vibrio hoặc ký sinh trùng nhưng chiếm tỷ lệ ít hơn.
Về cơ chế gây tiêu chảy do vi khuẩn:
- Tiêu chảy xâm nhập: Các vi khuẩn xâm nhập vào trong tế bào liên bào ruột non, ruột già nhân, lên trong đó và phá huỷ tế bào gây phản ứng viêm, sản phẩm viêm bài tiết vào lòng ruột gây ra tiêu chảy.
- Tiêu chảy do cơ chế xuất tiết: Vi khuẩn xâm nhập sản sinh độc tố vào lòng ruột gây xuất tiết.
- Tiêu chảy thẩm thấu: Vi khuẩn phá huỷ men lactase làm không hấp thu được đường đôi, tăng áp lực thẩm thấu ở lòng ruột gây mất nước.
Những trẻ có nguy cơ mắc tiêu chảy cao là: trẻ nhỏ tuổi, trẻ bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch, bú bình, mới ăn dặm, khi nấu ăn cho trẻ không đảm bảo vệ sinh, thức ăn để ngoài quá lâu dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, đặc biệt là vào mùa nóng...
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn
Khi bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn, trẻ thường có biểu hiện: Đi ngoài phân lỏng, nhiều nước; Trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có mùi chua, phân nhày, có máu nếu là lỵ; Trẻ nôn nhiều; Trẻ khát nên chỉ thích uống nước; Biếng ăn…
Trong trường hợp trẻ bị mất nước sẽ có dấu hiệu: Khát nước, mắt trũng, khô, khóc thấy ít nước mắt; môi khô, miệng khô: véo da thấy mất nếp chậm do da khô ít đàn hồi; thóp lõm, chân tay lạnh, mạch nhanh và yếu, thở nhanh…
Nếu không được xử trí và điều trị kịp thời trẻ dễ bị biến chứng: Mất nước, nhiễm toan do mất nhiều bicacbonat trong phân, thiếu kali làm bé liệt ruột cơ năng, chướng bụng...
3. Cách xử trí và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn
3.1. Bù nước và điện giải
Trẻ bị tiêu chảy cấp cần được ưu tiên bù nước và điện giải ngay tại nhà bằng oresol thẩm thấu. Lưu ý: Trên thị trường có nhiều sản phẩm dạng chai pha sẵn không nên dùng vì sai nồng độ điện giải oresol thẩm thấu theo đúng tiêu chuẩn.
Nên dùng oresol dạng gói có nồng độ theo đúng tiêu chuẩn. Loại oresol này giúp giảm khối lượng phân bài tiết 30%, giúp trẻ hạn chế nôn 20%, giảm 30% tỷ lệ truyền tĩnh mạch, giảm thời gian tiêu chảy và không gây biến chứng hạ natri máu.
- Cách dùng: Trẻ dưới 2 tuổi uống 50ml sau mỗi lần đi ngoài; 2-10 tuổi uống 100-200ml; trên 10 tuổi uống tới khi hết khát.
3.2. Bổ sung kẽm
Tiêu chảy làm trẻ mất kẽm, nên bổ sung kẽm khi bị tiêu chảy giúp thúc đẩy nhanh lành tế bào niêm mạc ruột, giúp trẻ tăng cường miễn dịch và nhanh khỏi bệnh.
3.3. Bổ sung men vi sinh
Cung cấp men vi sinh giúp củng cố sự vững bền, sức đề kháng của hàng rào niêm mạc ruột và đẩy các vi khuẩn gây bệnh ra ngoài.
3.4. Bổ sung men tiêu hoá
Bổ sung men tiêu hoá (lactozym, neopeptin...) để trẻ có thêm enzyme tiêu hoá, giúp trẻ tiêu hoá và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Cha mẹ cần lưu ý: Không được dùng kháng sinh khi trẻ không tiêu chảy kèm có máu. Không được sử dụng thuốc cầm tiêu chảy vì sẽ càng gây tích tụ độc tố và vi khuẩn tại ruột, khiến bệnh nặng hơn.
4. Nên cho trẻ ăn uống thế nào khi bị tiêu chảy?
Trẻ bị tiêu chảy không cần phải hạn chế ăn uống và kiêng khem mà phải có chế độ ăn uống hợp lý để cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể để giúp trẻ nhanh hồi phục.
Trước hết cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đủ chất với những thực phẩm giàu dinh dưỡng.
Thức ăn cho trẻ nên chế biến dưới dạng loãng, mềm như: cháo, súp (cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với khoai tây, bí đỏ, cháo cà rốt… ). Những món ăn này giúp trẻ dễ ăn, dễ tiêu và không gây kích thích niêm mạc đường tiêu hóa.
Nên chia nhỏ bữa ăn để hạn chế nôn trớ. Trẻ ăn ít một sẽ dễ ăn, hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Có thể cho trẻ ăn trở lại bình thường và ăn nhiều hơn khi hồi phục.
Cần hạn chế thực phẩm gây kích thích và có thể làm tổn thương đường tiêu hóa như: thực phẩm chứa nhiều chất béo, nhiều đường; nước ngọt có gas; thực phẩm gây đầy hơi, chướng bụng; đồ ăn chưa chín kỹ, không đảm bảo an toàn thực phẩm…
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()