Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 02:41 (GMT +7)
Bệnh “Nguyên tắc”...
Chủ nhật, 10/01/2010 | 00:20:26 [GMT +7] A A
Lâu nay khi đề cập đến những hạn chế trong công tác quản lý hành chính, chúng ta thường nói đến một số ''bệnh'', như bệnh quan liêu, bệnh thành tích v.v... Có lẽ là nên thêm cả bệnh... nguyên tắc!
Ở cơ quan nọ, anh em cán bộ, nhân viên đi công tác về, khi đến phòng kế toán để thanh toán công tác phí thì kế toán trưởng yêu cầu nhất thiết phải có vé xe mới thanh toán tiền đi đường. Chuyện này với thời bao cấp chẳng nói làm gì, bởi không có vé đố dám lên xe. Nhưng trong thời cơ chế thị trường này, cứ đưa cho nhà xe số tiền ''theo thoả thuận'' là được, đôi khi mức '' thoả thuận” còn thấp hơn cả giá vé quy định nếu xe vắng khách... Và thậm chí, khách đưa ''tiền tươi'' như thế còn được nhà xe ưu tiên hơn so với người vào bến mua vé đàng hoàng! Ấy vậy cho nên nếu không có điều kiện vào bến đón xe thì chẳng mấy ai có nhu cầu mua vé cả (mà có yêu cầu thì không phải lúc nào nhà xe cũng đáp ứng được!)... Vì thế, khi kế toán trưởng đòi phải có vé mới thanh toán tiền đi đường, anh em trong cơ quan như bị ''đánh đố”; người ''năng động'' thì tìm cách kiếm ''vé chui'', người ''kém năng động'' thì ngậm ngùi, coi như vừa bị ''móc túi'' mấy chục ngàn đồng vậy.
Rõ ràng đây là một sự nguyên tắc cứng nhắc! Đến như mua bán nhà ở trước đây khi nộp thuế Trước bạ đều tính tỷ lệ theo số tiền mua bán do hai bên thoả thuận, sau để ngừa chuyện đồng loã giữa người mua và người bán ''khai khống'' nhằm giảm tiền thuế, cơ quan chức năng đã tính thuế theo khung giá đất được tỉnh quy định cụ thể đối với từng vùng, từng loại đất v.v... Vậy thì giá vé xe các tuyến trong tỉnh nó sờ sờ ra đó, sao còn phải đòi hỏi có vé mới thanh toán? Hỏi thì anh kế toán trưởng bảo, đấy là nguyên tắc của cấp trên! Có trời biết cái ''ông cấp trên'' nào mà lại mắc bệnh nguyên tắc nặng đến vậy?
Lại chuyện ở một cơ quan khác; do yêu cầu công việc, có một số cán bộ (gần như cố định) luôn phải làm thêm giờ vào ngày chủ nhật. Kể ra, chỉ cần người phụ trách theo dõi và xác nhận (bằng văn bản) điều đó thì vẫn đảm bảo chính xác, khách quan và tiện lợi hơn nhiều. Nhưng cũng vì... nguyên tắc, nên cứ hằng tháng, các phòng, ban bên dưới lại phải nộp cái tờ phiếu chấm công làm thêm giờ, mà thực ra chỉ là đánh ''gọng vó'' vào 4 cái ngày chủ nhật trong tháng rồi ký tên! (Mà trớ trêu thay, người được mấy ông, bà trưởng các phòng, ban ấy xác nhận phần nhiều lại là... chính họ!). Trong cơ quan ai cũng thấy rằng đó là chuyện... vô lý, ngay cả chính người có trách nhiệm việc này cũng thấy thế. Nhưng nguyên tắc là nguyên tắc, không thế thì sao ''đủ thủ tục hợp lệ'' để thanh toán? Thế mới thấy cái bệnh nguyên tắc nó ghê gớm!
...Còn nhiều, rất nhiều những chuyện ''dở khóc, dở cười'' do căn bệnh nguyên tắc gây ra mà chúng tôi không thể liệt kê hết được! Bạn cứ thử nhìn quanh trong cơ quan, đơn vị (mà nhất là ở những cơ quan, công sở nhà nước) xem, sẽ thấy không ít đâu! Tôi nhớ trong một lần gặp mặt giới báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Đức Đam có nêu một ví dụ nhỏ về sự trì trệ trong thủ tục hành chính; ấy là chuyện hành trình của một công văn, đơn thư v.v... gửi về UBND tỉnh thường ''theo nguyên tắc'' (?) cứ phải từ văn thư đến phòng nghiệp vụ, rồi phòng nghiệp vụ chuyển lên Chủ tịch tỉnh... Và Chủ tịch đọc xong, tất nhiên là chưa thể nắm ngay được vấn đề, nên lại chuyển cho các phòng, và các phòng giao các chuyên viên đi tìm hiểu mọi chuyện để báo cáo Chủ tịch! Cứ ''mèo đuổi chuột'' như vậy! Trong khi đó sao các phòng, ban nghiệp vụ không nghiên cứu, tìm hiểu trước về vụ việc rồi báo cáo toàn bộ với Chủ tịch tỉnh thì có phải mọi chuyện sẽ nhanh hơn không? - Như ý Chủ tịch Vũ Đức Đam nhận xét hôm đó...
Rõ ràng ''bệnh” nguyên tắc cũng khó chữa không kém gì bệnh quan liêu, bệnh thành tích v.v... Bởi đơn giản là vì giống như những con vi rút có vỏ bọc nhằm đối phó với nhiệt độ cao (đun sôi vẫn không chết), bệnh nguyên tắc cũng luôn nấp dưới một cái vỏ bọc, ấy là ''mọi cái phải đảm bảo... đúng nguyên tắc''!
Liên kết website
Ý kiến ()