Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:21 (GMT +7)
Bệnh viêm não mô cầu nguy hiểm như thế nào và cách phòng tránh
Thứ 6, 14/06/2024 | 15:42:02 [GMT +7] A A
Bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis, hay còn gọi là meningococcus gây ra, tiến triển rất nhanh, gây tử vong cho trẻ trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời.
Ngày 13/6, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết theo thông tin giám sát ngày 12/6, tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, đã ghi nhận trường hợp mắc bệnh do não mô cầu; đồng thời trên cùng địa bàn cũng ghi nhận trường hợp tử vong có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm.
Trước đó, vào ngày 5/6, cháu Đ.T.V. (sinh năm 2022, ở xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể) tử vong chưa rõ nguyên nhân và đến ngày 9/6, bà H.T.Đ. (sinh năm 1960, là bà của V, ở cùng nhà) cũng tử vong. Trong khoảng thời gian này, gia đình bà Đ. có 4 người có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, đi ngoài phân lỏng...
Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 12/6 cho thấy bệnh nhân Đ.V.D (là con trai bà H.T.Đ) dương tính với vi khuẩn não mô cầu (có tên gọi là Neisseria meningitidis) gây bệnh viêm màng não. Đây là bệnh truyền nhiễm lây truyền qua đường hô hấp, có thể phát sinh thành dịch và gây tử vong nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, ngày 13/6, Cục Y tế dự phòng có công văn số 517/DP-DT gửi Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo, tổ chức triển khai tăng cường phòng, chống bệnh do não mô cầu.
Viêm màng não mô cầu là gì?
Viêm màng não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường xảy ra đột ngột với hàng loạt triệu chứng như đau đầu dữ dội, sốt, buồn nôn và nôn, cổ cứng, có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong của bệnh rơi vào khoảng 5% đến 15%.
Triệu chứng viêm màng não mô cầu
Viêm màng não mô cầu thường xảy ra đột ngột với hàng loạt triệu chứng như đau đầu, sốt, buồn nôn.
Bệnh có các thể lâm sàng đa dạng như viêm màng não tủy cấp có mủ, viêm khớp do não mô cầu, viêm màng trong tim do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (meningococcemia).
Những nơi có bệnh lưu hành, có khoảng 5-10% người bị nhiễm não mô cầu khuẩn ở hầu họng mà không có triệu chứng lâm sàng. Thể nhiễm khuẩn không triệu chứng thường gặp trong các vụ dịch, là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng.
Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu
Nguyên nhân gây viêm màng não mô cầu là do vi khuẩn Neisseria meningitidis, hay còn gọi là meningococcus. Dựa vào kháng nguyên polyozit, vi khuẩn não mô cầu được chia thành 4 nhóm chính: A, B, C và D. Trong số đó, vi khuẩn não mô cầu nhóm A, B là thường gặp nhất.
Ngoài ra, còn các nhóm vi khuẩn não mô cầu khác như W-135, X, Y và Z. Vi khuẩn trong nhóm huyết thanh này có thể có ít độc lực hơn, nhưng vẫn gây bệnh nặng.
Vi khuẩn não mô cầu thường ở dạng 2 tế bào cạnh nhau như 2 hạt càphê, gram (-), thường nằm trong bào tương bạch cầu đa nhân. Sức đề kháng của vi khuẩn não mô cầu thường rất yếu, mặc dù trong dịch não tủy nhưng vi khuẩn chỉ sống được vài giờ khi ra ngoài cơ thể, vi khuẩn bị tiêu diệt bởi 56 độ C trong 30 phút hoặc 60 độ C trong 10 phút. Tuy nhiên, trong nhiệt độ -20 độ C, vi khuẩn vẫn có thể tồn tại được.
Viêm màng não mô cầu nguy hiểm như thế nào?
Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh, gây tử vong cho trẻ trong vòng 24 giờ nếu không được điều trị kịp thời.
Khoảng 50%-70% trẻ nhập viện do viêm não mô cầu có nguy cơ tử vong. Nếu may mắn được cứu sống, vẫn có khoảng 20% trẻ bị di chứng như bại não, chậm phát triển tâm thần vận động, suy thận cấp, tổn thương gan, đoạn chi,…
Viêm não mô cầu có lây không? Lây qua đường gì?
Trong các vụ dịch não mô cầu, có đến 25% người có biểu hiện bệnh không điển hình, 50% người có mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Đây là nguồn lây bệnh chủ yếu trong cộng đồng.
Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn não mô cầu từ người nhiễm sang mũi họng của người cảm nhiễm. Lây truyền bệnh qua đồ vật rất hiếm xảy ra.
Đường lây truyền viêm não mô cầu
Viêm não mô cầu lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp với các hạt nước bọt vi khuẩn.
Thời kỳ lây bệnh của viêm màng não mô cầu tùy vào sự tồn tại của vi khuẩn ở vùng hầu họng của người nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể biến mất ở vùng họng sau điều trị kháng sinh 24 giờ.
Đối tượng dễ bị viêm não mô cầu
Viêm não mô cầu có thể gặp ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số đối tượng dễ mắc viêm màng não mô cầu nhất bao gồm:
- Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi;
- Thanh thiếu niên và thanh niên;
- Những người sống trong môi trường đông đúc như ký túc xá hoặc doanh trại quân đội;
- Những người suy dinh dưỡng kéo dài do bất thường hệ tiêu hóa hoặc suy giảm chức năng hấp thụ đường ruột;
- Người du lịch đến các khu vực dịch tễ lưu hành
- Nhân viên phòng thí nghiệm tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu;
- Những người có thể tiếp xúc với vi khuẩn não mô cầu trong ổ dịch.
Ngoài ra, một số yếu tố, lối sống của bộ phận thanh thiếu niên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh, chẳng hạn như điều kiện sống đông đúc; học chung cùng học sinh chuyển từ những vùng có dịch tễ lưu hành đến; rối loạn chu kỳ thức ngủ; hút thuốc chủ động hay bị động; tập trung nơi đông người.
Biến chứng bệnh viêm màng não mô cầu
Bệnh viêm màng não mô cầu nếu được điều trị tốt và kịp thời, tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên đến 95%. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm, điều trị muộn, người bệnh phải đối mặt với nhiều di chứng sức khỏe lâu dài.
Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển nhanh và nguy hiểm. Rất khó phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Tuy nhiên não mô cầu có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn tật trong vòng 24 giờ.
Nếu may mắn sống sót, người bệnh phải gánh chịu những di chứng nặng nề như cắt bỏ chi, ngón tay, ngón chân, tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận, bị các vấn đề về tâm lý.
Chẩn đoán viêm não mô cầu
Viêm màng não có thể bị nhầm lẫn với bệnh viêm màng não mủ do vi khuẩn cúm typ b (Haemophilus influenzae b), bệnh viêm màng não mủ do liên cầu phế viêm (Streptococcus pneumoniae).
Để chẩn đoán phân biệt viêm màng não mô cầu, các bác sỹ chỉ định một số phương pháp xét nghiệm sau:
- Loại mẫu bệnh phẩm
- Ngoáy họng lấy chất nhầy ở thành họng;
- Lấy máu hoặc chích mụn nước hoặc ban xuất huyết;
- Lấy dịch não tuỷ.
Phương pháp xét nghiệm
- Nhuộm gram soi kính hiển vi tìm song cầu khuẩn hình hạt cà phê, thường trú ngụ trong bào tương của bạch cầu đa nhân.
- Phân lập vi khuẩn não mô cầu.
Phòng ngừa bệnh
Viêm màng não do não mô cầu được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, nhất là đối với trẻ nhỏ, di chứng kéo dài nên phòng ngừa là việc rất quan trọng.
Tại nơi ở, trường học, lớp học phải thông thoáng sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Tại nơi có ổ dịch cũ cần tăng cường giám sát để phát hiện sớm các trường hợp sốt, viêm hầu họng phục vụ cho mục đích theo dõi. Nếu có điều kiện tiến hành ngoáy họng bệnh nhân cũ và những người lân cận để xét nghiệm tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
Vắcxin phòng viêm màng não mô cầu mang lại hiệu quả phòng bệnh cao, giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh và các biến chứng của bệnh. Tiêm vắcxin phòng viêm màng não mô cầu là phương pháp tiết kiệm, hiệu quả được các tổ chức y tế khuyến cáo.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()