Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 22:15 (GMT +7)
BHXH Hà Nội trả lời bà Nguyễn Thị Thanh về giấy nghỉ việc hưởng BHXH
Thứ 7, 25/06/2022 | 08:30:23 [GMT +7] A A
Bà Nguyễn Thị Thanh công tác tại nhà xuất bản, đóng BHXH tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Ngày 24/2/2022, bà mắc COVID-19, điều trị ngoại trú tại nhà theo hướng dẫn của trạm y tế xã.
Khi khỏi bệnh và đi làm trở lại, bà Thanh nộp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo Mẫu CT07 do trạm y tế xã cấp để làm thủ tục hưởng chế độ ốm đau (giấy này đã được cấp và ghi vào ngày bà khỏi bệnh là ngày 8/3/2022).
Tuy nhiên, khi nộp giấy này lên BHXH quận Tây Hồ thì cơ quan BHXH báo là "Giấy không hợp lệ: Giấy cấp chưa đúng theo quy định tại Phụ lục 7 Thông tư số 56/2017/TT-BYT, ngày cấp không đúng, chờ đến khi có văn bản mới hướng dẫn".
Đến nay đã 4 tháng, hồ sơ của bà Thanh vẫn không được duyệt, trong khi giấy này đã ghi rõ số ngày đã nghỉ điều trị (từ ngày bắt đầu dương tính 24/2/2022 đến khi test âm tính ngày 8/3/2022). Bà Thanh đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn, giải quyết.
BHXH TP. Hà Nội trả lời vấn đề này như sau:
Căn cứ Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động như sau:
- Làm việc trong điều kiện bình thường:
Đóng BHXH dưới 15 năm: Tối đa 30 ngày/năm;
Đóng BHXH từ đủ 15 - dưới 30 năm: Tối đa 40 ngày/năm;
Đóng BHXH từ đủ 30 năm: Tối đa 60 ngày/năm.
- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên:
Đóng BHXH dưới 15 năm: Tối đa 40 ngày/năm;
Đóng BHXH từ đủ 15 - dưới 30 năm: Tối đa 50 ngày/năm;
Đóng BHXH từ đủ 30 năm: Tối đa 70 ngày/năm.
- Trường hợp mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành: Tối đa 180 ngày. Hết 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị thì được nghỉ thêm tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH.
Căn cứ Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định cách ghi Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH như sau:
- Số ngày nghỉ: Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Riêng trường hợp người bệnh điều trị bệnh lao theo chương trình chống lao quốc gia thì thời gian nghỉ tối đa không quá 180 ngày cho một lần cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
- Việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ phải trùng với ngày người bệnh đến khám.
Vậy trường hợp của bà Thanh, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH được cấp chưa đúng với quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT, do ngày cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH không trùng với ngày bà bị mắc COVID-19 (cấp lùi ngày so với ngày người lao động bị ốm đau do mắc COVID).
Việc cấp lùi ngày cấp được ghi trên Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH là nội dung vướng mắc do chưa đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động, BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Y tế và ngày 2/3/2022, Bộ Y tế đã có Tờ trình số 279/TTr-BYT trình Chính phủ về việc giải quyết cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại ngành BHXH chưa nhận được hướng dẫn của Bộ Y yế. Khi có văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, BHXH TP. Hà Nội sẽ thông báo đến các đơn vị sử dụng lao động nộp lại hồ sơ để thực hiện xét duyệt, giải quyết theo quy định.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()