Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
Bị lấy thông tin cá nhân trên Facebook, có thể kiện được không?
Thứ 4, 16/06/2021 | 11:12:31 [GMT +7] A A
Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm trong bối cảnh thông tin đời tư trên môi trường mạng đang trở thành “miếng mồi” ngon cho những kẻ có ý đồ xấu.
“Trong trường hợp tôi bị người dùng mạng xã hội đăng thông tin cá nhân lên mạng để bôi xấu thì phải hành xử như thế nào?”.
Câu hỏi này mới đây đã được các chuyên gia thảo luận một cách chuyên sâu tại buổi tọa đàm “Quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân” vừa được Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) tổ chức.
Theo ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng IPS, việc chúng ta đăng tải ảnh lên Facebook rất dễ bị người khác tải xuống để sử dụng cho mục đích khác, ví dụ như tạo tài khoản nặc danh. Đây là vấn đề khá phổ biến gần đây và cần được đưa ra mổ xẻ về mặt pháp luật.
Chia sẻ về chủ đề này, luật sư Nguyễn Tiến Luật - Thành viên Hội đồng khoa học IPS cho rằng, để trả lời câu hỏi trên, đầu tiên phải phân biệt và làm rõ thế nào là thông tin cá nhân và bí mật đời tư. Không có quy định pháp luật nào có thể định nghĩa đầy đủ được.
“Con tôi học lớp mấy, có khoẻ mạnh không là những điều chỉ tôi biết. Vấn đề này được hiểu là thông tin cá nhân và bí mật của gia đình”, luật sư Nguyễn Tiến Luật nói.
Tuy nhiên, rất nhiều người đã đưa các thông tin này lên Facebook. Khi đó, người dùng tự đánh mất quyền bảo vệ hay sự biện hộ pháp lý đối với thông tin đó.
Luật sư Nguyễn Tiến Luật cho rằng, về nguyên tắc, những điều được coi là bí mật chỉ có thể cho bản thân hoặc người thân nhất biết, tức là phải giữ gìn thông tin.
Nếu bí mật cá nhân không được giữ, cứ thế đưa một cách vô tư lên mạng như thực tế sử dụng Facebook của người Việt sẽ dẫn đến mất sự biện hộ về mặt pháp lý. Do vậy, chúng ta phải có ý thức giữ gìn quyền riêng tư của mình, nhất là khi chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trong trường hợp bị người khác dùng dữ kiện thông tin để đánh giá, kích động, bôi xấu và thóa mạ bằng cách này hay cách khác, người dùng có thể khởi kiện được. Tuy vậy, cần lưu ý bởi muốn khởi kiện thành công, người dùng phải có phản ứng ngay lập tức với hành vi sai trái.
“Nếu để người khác tự do bình luận về mình, xong một lúc nào đó tự nhiên nổi hứng và đâm đơn kiện, người dùng sẽ rơi vào tình trạng mất sự biện hộ”, luật sư Nguyễn Tiến Luật chia sẻ.
Theo luật sư, ranh giới của sự xúc phạm là không rõ ràng. Do vậy, về mặt nguyên tắc pháp luật, khi bị người khác xúc phạm, nạn nhân phải phản ứng ngay tức thì và có bằng chứng về sự việc. Nếu không, đồng nghĩa với việc người dùng chấp nhận và sẽ bị mất quyền.
Lấy ví dụ về điều này, luật sư Nguyễn Tiến Luật cho biết, câu chuyện trên giống như việc có một người khác vượt hàng rào vào nhà nhưng chủ nhà không nói gì, chỉ nhẹ nhàng mời anh ta ra. Đến hôm sau, người đó cũng vượt rào và chủ nhà gọi công an, trường hợp này chính quyền không xử lý được bởi điều đó đã trở thành một hành động bình thường.
Nhìn chung, về nguyên tắc pháp luật, khi bị xâm phạm, nạn nhân phải phản ứng ngay lập tức, không phản ứng là chấp nhận và sẽ mất quyền. Cách ứng xử này là kỹ năng cơ bản mà người dùng trên mạng xã hội cần biết.
Tại các nước trên thế giới, ngoài những điều luật thành văn và sự tư vấn của luật sư, đã có nhiều phiên tòa và các bản án đối với những sự việc cụ thể. Đây chính là ví dụ cho người khác tham khảo và biết cách hành xử sao cho đúng luật.
Với những trường hợp của Việt Nam, các vi phạm trong lĩnh vực này được nói đến từ lâu. Song vẫn chưa có phiên tòa và bản án nào liên quan được đưa ra xét xử. Do vậy, cần sớm có một bản án về một sự việc cụ thể liên quan đến quyền riêng tư, từ đó hình thành án lệ để mọi người có thể tham khảo.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()