Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:21 (GMT +7)
Biến đổi khí hậu làm người dân toàn cầu thiếu ngủ mỗi đêm
Thứ 2, 23/05/2022 | 22:40:16 [GMT +7] A A
Nghiên cứu chỉ ra rằng vào những đêm nhiệt độ cao quá 30 độ C, trung bình giấc ngủ của mọi người sẽ giảm đi 14 phút.
Tuần trước, nhóm chuyên gia tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch) đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí One Earth cho thấy tác động tiêu cực do nhiệt độ tăng lên đối với sức khỏe của chúng ta, trong đó có việc rút ngắn giấc ngủ. Đáng chú ý, người ngủ ở môi trường trên 30 độ C sẽ bị giảm 14 phút so với người khác.
Tác giả chính Kelton Minor của Đại học Copenhagen cho biết nhiệt độ của cơ thể cần giảm xuống để bước vào cơn buồn ngủ. Và điều này sẽ khó đạt được trong bối cảnh môi trường xung quanh ngày càng nóng lên.
Theo nghiên cứu, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng cao, mỗi người trên thế giới bị cắt bớt từ 50 – 58 giờ ngủ mỗi năm vào cuối thế kỷ này. Nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị mất ngủ do nắng nóng là người già, phụ nữ và người dân ở các nước có thu nhập thấp, cũng như tại các vùng khí hậu nóng bức hơn.
Những người không có điều hòa không khí hoặc các thiết bị khác để kiểm soát nhiệt độ gia tăng tại nơi ở sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khắc sâu hơn nữa vào sự bất bình đẳng do biến đổi khí hậu gây ra trên toàn cầu.
Ngủ là một hoạt động quan trọng tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần của một người. Giấc ngủ giúp hỗ trợ một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, đảm bảo khả năng nhận thức, sự chú ý và hành vi hay tâm trạng. Trong khi đó, thiếu ngủ sẽ làm suy giảm sức khỏe tinh thần và thể chất của một người, gây các vấn đề về tim mạch, trầm cảm, tức giận và thậm chí có thể dẫn đến tử vong sớm.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần liên quan đến mất ngủ sẽ khiến một người bị ảo giác hoặc dễ bị suy nghĩ lệch lạc.
Theo Cơ quan Quản lý An toàn Đường cao tốc Quốc gia Mỹ, ngủ gật là nguyên nhân đằng sau ít nhất 100.000 vụ tai nạn, khiến 71.000 người bị thương và 1.550 người tử vong mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nhiệt độ ban đêm ấm hơn có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của một người thông qua việc theo dõi 7 triệu hồ sơ về giấc ngủ của hơn 47.000 người trưởng thành ở 68 quốc gia.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()