Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 08:19 (GMT +7)
Biến đổi khí hậu: Quảng Ninh trong vùng báo động đỏ về nước biển dâng
Thứ 5, 28/09/2017 | 07:56:02 [GMT +7] A A
Là tỉnh ven biển, trong những năm qua, Quảng Ninh đã phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) như: Diễn biến thời tiết bất thường, tình trạng nắng nóng kéo dài, ngập lụt... Hiện tượng bất thường trên cũng đã làm ảnh hưởng đến môi trường sống, hoạt động sản xuất nói chung và cộng đồng cư dân ven biển nói riêng.
[links()]
Khu vực chợ trung tâm Ba Chẽ nước lũ dâng cao 7-8m trong trận mưa ngày 13/8/2017. Ảnh: Phạm Tăng |
Thời gian qua, công tác ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực. Cụ thể, Quảng Ninh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Theo Kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, các quy hoạch chung như quy hoạch Kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch Tài nguyên nước, quy hoạch Xây dựng, quy hoạch Du lịch, quy hoạch Môi trường đều đã đảm bảo công tác tích hợp, lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ về ứng phó BĐKH. Đặc biệt, Quy hoạch Môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đảm bảo lồng ghép, cụ thể hoá các nội dung giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình hợp tác quốc tế về BĐKH, Quảng Ninh đã triển khai thành công “Dự án hỗ trợ các phương thức sinh kế thích hợp với BĐKH tại các tỉnh phát triển nông thôn theo vùng lãnh thổ Thái Nguyên và Quảng Ninh” do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ. Dự án hỗ trợ đã đem lại hiệu quả cao đối với địa phương: Đông Triều và Hải Hà và đặc biệt là thành công trong nhiều mô hình phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH như trồng khoai tây chịu rét, trồng ngô nếp tím vụ đông, cá diêu hồng, cá rô phi đơn tính, cá vược Thái Lan thương phẩm…
Đồng thời, thời gian qua Sở TN&MT đã chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các hoạt động diễu hành cổ động và cuộc thi ảnh với chủ đề “Biến đổi khí hậu và những tác động tiềm tàng”. Những cuộc thi này đã thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có các đối tượng như phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, học sinh sinh viên…. Cùng với đó Sở còn phối hợp với Trung tâm Công nghệ ứng phó BĐKH tổ chức các khoá tập huấn đào tạo tuyên truyền viên về BĐKH cho cán bộ trẻ, có năng lực tại các sở, ban, ngành, các tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kết hợp các phương thức truyền thông về BĐKH thông qua phương tiện xe bus, băng zôn, khẩu hiệu và qua các phương tiện thông tin đại chúng… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức người dân trong ứng phó với BĐKH.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của cơ quan khí tượng, thủy văn quốc gia và địa phương, những năm gần đây, khí hậu ở Quảng Ninh đã có những dấu hiệu khác thường. Nhiệt độ trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh đã tăng khoảng 0,1 độ C, nắng nóng có xu hướng xuất hiện sớm và kết thúc muộn. Số đợt nắng nóng nhiều hơn, xảy ra cục bộ và diễn biến phức tạp. Số ngày nóng gay gắt cũng nhiều hơn. Diễn biến mưa cũng phức tạp hơn, xuất hiện nhiều trận mưa lớn bất thường kèm theo mưa đá đã có ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống nhân dân và các lĩnh vực kinh tế của tỉnh. Hiện tượng sạt lở đất sau các trận mưa lớn đã từng xảy ra tại Hạ Long, Bình Liêu gây thiệt hại về nhà cửa, công trình giao thông và cả về con người. Có thể kể đến trận lũ lụt lớn năm 2008 đã nhấn chìm khu vực trung tâm thị trấn Tiên Yên và một phần khu vực Ba Chẽ, gây thiệt hại nhiều nhà cửa và tài sản; trận mưa lũ lịch cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 2015 làm 17 người bị thiệt mạng, gây thiệt hại gần 3.000 tỷ đồng.
Gần một năm sau, trận mưa không lớn và cũng không kéo dài vào ngày 5/7/2016 nhưng đã làm tê liệt hoàn toàn một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh, làm 2 người thiệt mạng. Và gần đây nhất trận mưa lớn đêm 13/8, rạng sáng 14/8 vừa qua đã gây ra tình trạng ngập úng, lũ quét trên địa bàn tỉnh làm 1 người bị thiệt mạng, thiệt hại khoảng 8 tỷ đồng. Trong đó, huyện Ba Chẽ và Hoành Bồ là hai địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Theo kịch bản BĐKH, nếu nước biển dâng 1m thì tỉnh Quảng Ninh có nguy cơ trên 10% diện tích bị ngập lụt; khoảng 5% chiều dài quốc lộ, trên 6% chiều dài tỉnh lộ, gần 4% chiều dài đường sắt, trên 9% dân số bị ảnh hưởng. Đối với kịch bản phát thải trung bình, tỉnh Quảng Ninh năm 2100 so với cuối thế kỷ trước: Nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 2,5% (mức dự báo ở các tỉnh thành khác: Tăng thấp nhất 1,9%, cao nhất 3,7%), mức thay đổi lượng mưa khoảng 6,7% (mức dự báo các tỉnh thành khác: Thấp nhất 1 và cao nhất là 10). Dự báo giai đoạn 2020-2100, mực nước biển tỉnh Quảng Ninh sẽ dâng từ 7-64cm so với giai đoạn 1980-1999, khi đó tổng diện tích bị ngập của tỉnh Quảng Ninh là 125,27km2; địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất là một số khu vực ven biển như Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Quảng Yên, Hoành Bồ.
Rõ ràng, biến đổi khí hậu vẫn đang tác động trực tiếp đến sản xuất, đời sống của người dân. Vì vậy, ngay từ bây giờ cần có nhiều giải pháp chủ động ứng phó đồng bộ, thay vì bị động, khắc phục hậu quả.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()