Thay vì dạng ô thông thường, một số startup chạy đua phát triển pin mặt trời mới vừa có khả năng tạo ra điện, vừa mang tính thẩm mỹ.
Hầu hết pin mặt trời (pin quang điện) được đánh giá đơn điệu vì chỉ có màu đen hoặc xanh đậm, xếp theo dạng ô chữ nhật. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp chuyên về điện mặt trời tại Hà Lan đã tạo ra những tấm pin quang điện thế hệ mới trông như tác phẩm nghệ thuật.
"Mặt trời nhìn thấy các module và sản sinh dòng điện, còn chúng ta nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật", Jeroen Boumans, kiến trúc sư tại ZigZagSolar - một startup với thành viên nòng cốt là các chuyên gia từ Đại học Eindhoven, nói.
ZigZagSolar hiện tạo pin mặt trời với bề mặt lượn sóng thay vì bằng phẳng, có thể gắn thẳng vào mái nhà hoặc ốp vào tường. Boumans cho biết loại này có thể sản sinh điện gấp đôi pin mặt trời phẳng gắn tường thông thường và hơn 25% đối với các hệ thống áp mái. Quan trọng hơn, khi xếp lại với nhau, chúng có thể tạo nên một bức tranh lớn theo yêu cầu của người dùng.
Theo kiến trúc sư Ajax Abreu Garcia, pin quang điện hiện nay "không hấp dẫn lắm, thậm chí gây chướng mắt cho một số người". Năm 2017, ông lập công ty Solar Visuals với mục tiêu mang đến giải pháp vừa bền vừa đa dạng cho thị trường. "Bề mặt này chắc chắn phải tạo ra điện, nhưng cũng phải đẹp", ông nói.
Solar Visuals hiện cung cấp nhiều loại pin với màu sắc khác nhau. Chúng có cấu tạo gồm bốn lớp: lớp bảo vệ, cấu trúc hoa văn, lớp có tế bào hấp thụ và chuyển hóa quang năng thành điện năng, và cuối cùng là phần kính.
Trong khi đó, Kameloen Solar, công ty có trụ sở tại thành phố Roosendaal, cũng thêm tạo sự sinh động cho pin mặt trời bằng công nghệ ColourBlast đã được cấp bằng sáng chế. "Chúng tôi có thư viện màu với khoảng 4.000 lựa chọn. Bất kể màu nào, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nếu được yêu cầu", Guust Verpaalen, CEO của Kameloen Solar, cho biết.
Đến nay, hầu hết pin mặt trời kiêm tác phẩm nghệ thuật đều là loại tích hợp vào tòa nhà (BIPV). Nói cách khác, tấm pin được gắn thẳng vào công trình từ khi thi công, thay vì nằm trên khung dàn như pin thông thường.
Đơn vị tiên phong về BIPV là Solarix. Năm 2018, công ty hoàn thành việc xây dựng trụ sở cho công ty Kuijpers ở Helmond. Đây là tòa nhà đầu tiên trên thế giới với mặt tiền hoàn toàn được gắn pin năng lượng mặt trời. Tuy nhiên nếu nhìn qua, rất khó nhận ra các tấm pin quang điện được gắn lên đó.
Trong khi Solarix tập trung vào mặt tiền, công ty Exasun lại cung cấp pin mặt trời tích hợp trên mái nhà có tên X-Roof. Với thiết kế dạng viên ngói, chúng gần như không thể nhìn thấy và phân biệt bằng mắt thường. Thậm chí, X-Roof còn được sử dụng để thay thế hoặc kết hợp với mái ngói gốm.
Theo các chuyên gia, việc ngày càng có nhiều pin mặt trời với chủng loại và mẫu mã mới cho thấy lĩnh vực này đang phổ biến và có tác động nhất định đến kiến trúc và thiết kế hiện đại. Một số dự đoán trong thập kỷ tới, các tòa nhà sử dụng BIPV sẽ trở nên phổ biến.
Gần đây, chính phủ Hà Lan thông báo tài trợ 412 triệu euro (460 triệu USD) cho việc phát triển công nghệ điện mặt trời thế hệ tiếp theo, gồm BIPV. Vốn sẽ được chuyển đến SolarNL, tổ chức chuyên về đầu tư và phát triển ngành điện mặt trời ở nước này.
Theo số liệu của công ty nghiên cứu điện mặt trời Avnet Abacus, tại châu Âu, tổng vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năng lượng mặt trời đã tăng 398% so với năm ngoái. Tính đến tháng 5, các doanh nghiệp này nhận hơn 6 tỷ USD hỗ trợ, cao hơn so với mức 1,2 tỷ USD huy động được cùng kỳ 2022.
Ý kiến ()