Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 02:16 (GMT +7)
KỶ NIỆM 60 NĂM NGÀY MỞ ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRÊN BIỂN 23/10 (1961-2021) Biểu tượng của sức mạnh tinh thần và trí tuệ Việt
Thứ 7, 23/10/2021 | 09:42:29 [GMT +7] A A
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh trên biển và Đoàn tàu không số làm nhiệm vụ bí mật, tổ chức tiếp nhận, vận chuyển vũ khí từ hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến miền Nam đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. 60 năm trôi qua, Đoàn tàu không số gắn liền với con đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành huyền thoại của những huyền thoại. Những con người lịch sử ngày đó người còn, người mất, những câu chuyện về Đoàn tàu không số vẫn như khúc tráng ca bất tử minh chứng cho một thời “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Những năm đầu chống Mỹ, tuyến đường vận chuyển của ta trên dãy Trường Sơn đã mở, nhưng chưa vươn tới được các tỉnh Nam bộ. Tháng 7 năm 1959, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược bằng đường biển vào chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn 603 được thành lập và hoạt động dưới cái tên Tập đoàn đánh cá sông Gianh, nhằm nghiên cứu, hiện thực hóa con đường trên biển chi viện vũ khí cho chiến trường miền Nam.
Tết Canh Tý năm 1960, chuyến đi đầu tiên của Tiểu đoàn 603 đưa vũ khí vào Khu 5 bất thành do thời tiết xấu và gặp địch. Tiểu đoàn 603 tạm ngừng hoạt động. Năm 1961 -1962, nhận chỉ thị của Quân ủy Trung ương, một số đội tàu của Tỉnh ủy Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Bà Rịa đã vượt biển ra Bắc, gặp Bác Hồ bày tỏ nguyện vọng xin vũ khí đánh giặc, Bác đồng ý chủ trương mở đường biển vận chuyển vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam. Ngày 23-10-1961, lực lượng vận tải quân sự trên biển mang tên Đoàn 759 được thành lập, có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Đoàn 759 đã đưa những chuyến hàng đầu tiên vào Nam an toàn bằng sự mưu lược, dũng cảm, khẳng định việc mở con đường chiến lược trên biển là chủ trương đúng đắn, sáng tạo; củng cố niềm tin và quyết tâm cho nhân dân miền Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn 759 hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định giao Đoàn 759 cho Quân chủng Hải quân. Ngày 24-1-1964, Đoàn 759 đổi tên thành Đoàn 125. Cũng từ đây, Đoàn Tàu Không Số bước sang giai đoạn vận chuyển hiệu quả nhất. Nói là tàu không số, nhưng thực ra mỗi con tàu đều mang một số hiệu đăng ký tại chỉ huy sở, được thay đổi biển hiệu tàu, trang phục của cán bộ, chiến sĩ hải quân trên tàu tùy thuộc vào mỗi đợt làm nhiệm vụ.
Từ 6 chiếc thuyền gỗ thô sơ cùng 38 cán bộ, chiến sĩ làm nòng cốt trong ngày đầu thành lập, qua 14 năm (1961-1975), lực lượng vận tải quân sự hải quân đã phát triển thành một binh đoàn vận tải chiến lược trên biển với các đội tàu sắt có trọng tải hàng trăm tấn, vươn rộng ra biển khơi, hình thành nhiều tuyến đường, mở nhiều bến bãi. Bằng ý chí cách mạng tiến công, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, lực lượng đoàn tàu “Không số” với đường Hồ Chí Minh trên biển đã vận chuyển trên 150.000 tấn vũ khí, trang bị và hàng chục ngàn lượt cán bộ chi viện chiến trường Miền Nam, trực tiếp đến những nơi xa nhất, khó khăn nhất dọc các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Nam bộ và Tây Nam bộ để quân và dân ta làm nên những chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Vũ Đăng Khoa là một trong 60 thanh niên Hòn Gai xung phong nhập ngũ tháng 2/1964 và được điều về Quân chủng Hải quân. Những chàng tân binh trẻ ngày ấy được đưa ngay về tàu huấn luyện tại chỗ rồi nhận công tác vận chuyển vũ khí vào miền Nam ở Đoàn 759 (sau này là Đoàn 125 Hải quân). Ông Vũ Đăng Khoa được điều về Tàu 67, một trong những con tàu vỏ sắt đầu tiên của Đoàn tàu không số do ta sản xuất. Theo lời kể của ông, trên con đường biển ấy, mỗi khi địch đánh phá ác liệt hoặc dở những thủ đoạn thâm độc, thì lực lượng vận tải quân sự hải quân lại sáng tạo ra những phương thức vận chuyển mới, vượt qua được sự bao vây, phong tỏa, ngăn chặn của kẻ thù, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, song với tinh thần “Vì miền Nam ruột thịt”, tất cả những chiến sĩ ngày ấy luôn chiến đấu, hy sinh đến phút cuối cùng, bảo vệ vũ khí, đạn dược, hàng hóa, giữ bí mật về chủ trương, về con đường, con tàu, bến bãi...
Kỷ niệm đáng nhớ, trong chuyến đi đầu tiên ấy, ông Vũ Đăng Khoa đã được toàn tàu bình chọn là người xuất sắc, được thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất. Ông còn được một món quà rất quý của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tặng, đó là một cuốn sổ công tác rất đẹp. Cuốn sổ đó sau này như một người bạn, một kỷ vật được ông cất giữ cẩn thận. Ông đã ghi chép vào đó các chương trình đào tạo chuyên ngành thông tin tàu biển phục vụ cho nhiệm vụ sau này. Cuốn sổ đã gắn bó cùng ông trong những ngày biên chế về Tàu 235 của Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh, rồi những ngày huấn luyện gian khổ trên Tàu 246, cả những trận đánh đuổi tàu biệt kích giữ an toàn cho tàu chở hàng phục vụ Chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971. Cuốn sổ ghi chép đó bây giờ là một hiện vật quý trong Bảo tàng Hải quân.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày chiếc tàu không số đầu tiên rời bến, vận chuyển hàng hóa, vũ khí cho chiến trường miền Nam. Song, những câu chuyện về lòng dũng cảm, mưu trí, ý chí cách mạng của những người lính hải quân trên con đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn còn tồn tại mãi theo thời gian. Những cán bộ, chiến sĩ trên những con tàu không số ngày ấy vẫn luôn là tấm gương sáng, là động lực thúc đẩy thế hệ trẻ ngày nay tiếp bước cha anh, góp công sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, trung tuần tháng 10 vừa qua, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt đoàn đại biểu cựu chiến binh đường Hồ Chí Minh trên biển và đại diện các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân có thành tích, chiến công xuất sắc, đặc biệt xuất sắc.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện tầm nhìn chiến lược, sáng tạo, sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Đó là kỳ tích trong chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đường Hồ Chí Minh trên biển giúp nối liền giữa hậu phương lớn miền Bắc với các chiến trường ác liệt miền Nam, đến các địa bàn xa xôi, khó khăn, gian khổ và ác liệt nhất mà tuyến đường Trường Sơn trên bộ chưa vươn tới được. Điều đó góp phần quan trọng nâng cao khả năng chiến đấu, phát triển lực lượng, làm thay đổi cách đánh và tương quan về lực lượng giữa ta và địch, cổ vũ phong trào đấu tranh vũ trang ngay trong lòng địch, tạo ra bước phát triển mới cho cách mạng miền Nam; đáp ứng được yêu cầu “thần tốc”, “đại thần tốc” của Bộ Tư lệnh Chiến dịch lúc bấy giờ.
Chủ tịch nước khẳng định những chiến công anh hùng và sự dũng cảm hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã trở thành bất tử, trở thành huyền thoại cho lớp lớp đời sau ngưỡng mộ, trân trọng và tự hào.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()