Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 22/12/2024 23:45 (GMT +7)
Bình Liêu: Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống để phát triển du lịch
Thứ 4, 04/09/2024 | 10:20:20 [GMT +7] A A
Bình Liêu là huyện miền núi biên giới với hơn 96% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ). Chính sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm nên một vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để huyện phát triển du lịch.
Với mục tiêu khai thác tiềm năng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là những giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch, Huyện uỷ Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU ngày 31/7/2015 về “Phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030”; Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 29/6/2016 về “Bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030”.
Cụ thể hoá các Nghị quyết, trong những năm qua, huyện đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn. Huyện đã hoàn thành Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; đang hoàn thiện đề cương Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030", Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030"; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”... nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thành “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc.
Cùng với việc tổ chức khôi phục và duy trì các lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số như Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, ngày hội Kiêng Gió của đồng bào dân tộc Dao Thanh Phán… huyện cũng quan tâm tổ chức các chương trình hoạt động du lịch mới dựa trên bản sắc văn hoá các dân tộc như: Hội hoa sở, Hội mùa vàng, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu… Thông qua những hoạt động này, đã giới thiệu những nét đẹp trong văn hoá truyền thống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tới du khách, tạo sản phẩm du lịch độc đáo, mới mẻ, hấp dẫn du khách.
Mặt khác, huyện đã tích cực triển khai bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc của các dân tộc. Huyện đã thành lập và duy trì hoạt động thường xuyên, hiệu quả 26 câu lạc bộ văn nghệ từ cấp xã đến thôn; tổ chức các lớp truyền dạy hát then - đàn tính, hát soóng cọ, hát pả dung vào trong trường học nhằm trao truyền và phát triển các loại hình nghệ thuật dân gian; đồng thời phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân văn nghệ trong cộng đồng dân cư, đóng góp, làm dày thêm kho tàng văn hóa dân gian sẵn có và tạo nguồn cho các hoạt động lễ hội, du lịch của huyện và của tỉnh. Các nghi lễ truyền thống như lễ cấp sắc của người Dao Thanh Phán, lễ đón dâu của người Sán Chỉ, nghi lễ lẩu then, giải hạn đầu năm của người Tày… được dày công nghiên cứu, sưu tầm, sân khấu hóa trở thành điểm nhấn hấp dẫn du khách trong các lễ hội, sự kiện của huyện. Tiêu biểu là nghi lễ then cổ của dân tộc Tày nằm trong hợp phần di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ ở Bình Liêu cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Đặc biệt, để phát huy giá trị, vẻ đẹp của trang phục truyền thống các dân tộc trên địa bàn, từ năm 2019, huyện Bình Liêu đã triển khai và duy trì việc giáo viên, học sinh, công chức, viên chức mặc trang phục truyền thống dân tộc trong trường học, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị sự nghiệp trực thuộc vào các ngày quy định trong tuần… Qua đó, không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn trang phục dân tộc trong cộng đồng, mà còn không ngừng lan tỏa, quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp mảnh đất, con người Bình Liêu, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, tạo nên khác biệt cho du lịch Bình Liêu.
Nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế dựa trên các giá trị văn hoá truyền thống để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc, nên Bình Liêu “từ chỗ không có du lịch” đến nay đã trở thành điểm đến mới mẻ, hấp dẫn trong bản đồ du lịch văn hoá, du lịch trải nghiệm bản sắc văn hoá các dân tộc của tỉnh Quảng Ninh và trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2023, huyện đón 150.000 lượt khách, trong đó khách lưu trú 39.170 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 76,7 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.
Thu Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()